Khoảng 1 tuần qua, mạng xã hội rầm rộ, tranh cãi quanh các clip về cách đánh vần lạ của trẻ nhỏ. Theo đó, trẻ không đánh vần theo cách thông thường mà đọc thơ/ ca dao qua các “ô vuông, tam giác, hình tròn”.
Qua tìm hiểu, đó là những bài học trong cuốn Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục, phương pháp mà GS. Hồ Ngọc Đại đã ứng dụng cách đây từ 40 năm.
Sáng 8/9, tại buổi tọa đàm về công nghệ giáo dục 4.0, GS. Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ" phương pháp thực nghiệm với cách đánh vần "ô vuông, tâm giác" này chính thức lên tiếng sau những tranh cãi xoay quanh cách đánh vần “ô vuông, tam giác”.
GS Hồ Ngọc Đại cho biết, trong số tất cả công trình của mình, sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục do ông chịu trách nhiệm, chiếm nhiều công sức và là thành tựu lớn nhất của ông.
Học sinh 6 tuổi học sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục sau một năm, chữ nào chắc chắn chữ đó nên không thể tái mù chữ. Người trưởng thành, hay học sinh cấp hai, cấp ba nếu viết sai thì do thầy, cô dạy chưa đúng.
Cũng trong ngày 8/9/2018, Thứ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nêu quan điểm: Bộ đồng ý cho các địa phương có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện được áp dụng vào việc dạy học Tiếng Việt lớp 1, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008-2009 đến năm học 2016-2017 trên tinh thần tự nguyện của các địa phương.
Trong năm 2017 và 2018, Hội đồng thẩm định quốc gia đã đánh giá tài liệu Tiếng Việt 1- công nghệ giáo dục về cơ bản đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kĩ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp Tiểu học.
Đây là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó, vùng dân tộc thiểu số.
H.NBạn đang xem bài viết GS. Hồ Ngọc Đại lên sóng trực tiếp chia sẻ về cách đánh vần ‘tam giác ô vuông' tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].