Đối với lĩnh vực bảo hiểm, đại dịch Covid -19 đã gây ra những thách thức cho hoạt động của thị trường bảo hiểm và là động lực thúc đẩy ngành bảo hiểm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực bảo hiểm (Insurtech), giúp thị trường đứng vững và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.
Insurtech - tăng tốc đầu tư
Tại Việt Nam, Insurtech đã được các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) triển khai trước đó và trong bối cảnh dịch Covid-19 các DN tiếp tục “tăng tốc” đầu tư mạnh vào Insurtech. Mặc dù chưa có số liệu thống kê thực tế về doanh thu có được từ Insurtech cũng như các khoản đầu tư cho lĩnh vực này mà DNBH đã bỏ ra trong thời gian gần đây, nhưng có thể thấy hàng loạt ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm đã và đang được đưa vào sử dụng, đã giúp nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, giúp khách hàng tiếp cận bảo hiểm dễ dàng hơn và doanh thu thị trường tiếp tục tăng trưởng hai con số bất chấp khó khăn do dịch Covid -19.
Điển hình như Bảo hiểm Bảo Việt, doanh nghiệp hàng đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đã củng cố được vị thế dẫn đầu một phần là nhờ chiến lược đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, qua đó tối ưu hóa năng lực quản trị, điều hành và nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.
Bảo hiểm Bảo Việt hướng đến hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, điển hình là dự án chuyển đổi số ứng dụng các giải pháp trí tuệ doanh nghiệp trong hệ thống số liệu về tài chính, đầu tư, quản lý rủi ro, chăm sóc khách hàng, cấp đơn bảo hiểm, giải quyết quyền lợi bảo hiểm…; nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng ứng dụng giám định bồi thường số E-Claim; Baoviet Direct - ứng dụng tích hợp quản lý bảo hiểm trên điện thoại... Cùng với đó, doanh nghiệp này đã ứng dụng AI, Chatbot trong các hoạt động giới thiệu, tư vấn sản phẩm bảo hiểm nhằm nâng cao tính hiệu quả, thuận tiện cho khách hàng.
Những nỗ lực của Bảo hiểm Bảo Việt đã được Global Banking & Finance Review vinh danh với giải thưởng “Doanh nghiệp phi nhân thọ chuyển đổi số tốt nhất Việt Nam 2020” và “Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ mang lại sự hài lòng và hạnh phúc cho khách hàng 2020”.
Nắm bắt xu hướng phát triển nhanh chóng của ứng dụng công nghệ số, Prudential Việt Nam - tên tuổi hàng đầu lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã và đang đẩy mạnh quá trình số hóa dịch vụ nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Mới đây, tháng 4/2021, Prudential Việt Nam đã ra mắt thị trường sản phẩm bảo hiểm trực tuyến “PRU - Vui Sống” với hình thức mua dễ dàng. Theo đó, khách hàng có thể tham gia sản phẩm “PRU - Vui Sống” ngay trên thiết bị di động cá nhân, với cách thức mua dễ dàng, tiện lợi thông qua nền tảng ứng dụng chăm sóc sức khỏe “Pulse by Prudential”. Quy trình đăng ký nhanh chóng chỉ ba bước, không cần khám sức khỏe và chỉ cần trả lời duy nhất một câu hỏi thẩm định.
Các chuyên gia nhận định, hình thức này mang đến trải nghiệm số mới mẻ, phù hợp với người trẻ trong xu hướng theo đuổi sự tiện lợi của công nghệ, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Trước đó, với mức đầu tư hơn 1 triệu USD, Prudential Việt Nam đã từng bước hoàn thiện quy trình trực tuyến khép kín từ công tác tuyển dụng qua ứng dụng PruDaily đến công tác tư vấn bán hàng từ xa và dịch vụ xử lý, phát hành hợp đồng tự động xuyên suốt. Nỗ lực số hóa này không chỉ giúp lực lượng kinh doanh của Prudential Việt Nam có được sự phát triển đột phá trong sự nghiệp mà còn mang đến trải nghiệm xuyên suốt và tiện lợi cho khách hàng.
Có mặt tại thị trường Việt Nam khá muộn - năm 2016, FWD Việt Nam chọn chiến lược ưu tiên phát triển công nghệ số, theo đó, trong thời gian qua DN này liên tục là một trong những DNBH nhân thọ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thị trường.
Cuối năm 2020 dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng DN này quyết định tăng vốn điều lệ lên hơn 15.000 tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị trí là DNBH nhân thọ lớn nhất tại Việt Nam, tính theo vốn điều lệ. Trước đó, tháng 3/2020, FWD Việt Nam đã tăng vốn điều lệ từ 3.675 tỷ đồng lên hơn 13.937 tỷ đồng. Việc tăng vốn điều lệ cho thấy sự cam kết mạnh mẽ hoạt động bền vững và lâu dài của FWD tại Việt Nam cùng tầm nhìn thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm của DN này.
Gần đây nhất, FWD một lần nữa cho thấy những bước đi tiên phong, sáng tạo đột phá trên thị trường khi DN này giới thiệu giải pháp bảo hiểm 100% trực tuyến có tên gọi “FWD Bộ 3 bảo vệ” với nhiều quyền lợi cho khách hàng. Được biết, đây là sản phẩm đầu tiên trên thị trường mang đến giải pháp chuyên biệt với quy trình tham gia hoàn toàn trực tuyến, bảo vệ đồng thời trước ba bệnh hiểm nghèo là ung thư tại bất kỳ giai đoạn nào, đột quỵ và nhồi máu cơ tim đến 80 tuổi.
Thực tế, rất nhiều các DNBH khác cũng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số và đây được ví như một làn sóng đã và đang sắp xếp lại cách thức hoạt động truyền thống của ngành bảo hiểm, làm thay đổi phương thức bán hàng và quản trị kinh doanh của DNBH, giúp DN duy trì đà tăng trưởng bất chấp khó khăn chung của nền kinh tế và những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid -19.
Kỳ vọng bứt phá
Tại Hội thảo “CVII 2021: Tác động của Covid-19, Insurtech, thị trường và chính sách”, các diễn giả cho rằng, ngành bảo hiểm dường như đang ở điểm thay đổi then chốt và các DNBH xem Insurtech là một cơ hội cho sự phát triển của ngành bảo hiểm.
Đại diện Manulife Việt Nam chia sẻ, dịch Covid -19 và giãn cách xã hội đã thúc đẩy Manulife Việt Nam và các DNBH đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số hóa để thích ứng với hoàn cảnh.
Được biết, từ năm 2017, Manulife Việt Nam đã bắt đầu hành trình chuyển đổi số hóa. DN này đã nhìn thấy được tín hiệu tích cực trong hành trình chuyển đổi số hóa thông qua Chỉ số hài lòng của khách hàng (Net Promote Score - NPS). Kể từ khi sử dụng Chỉ số NPS vào năm 2017, đến nay, Manulife Việt Nam đã tăng được 27 điểm NPS, tương đương với mức tăng 69%.
Đại diện Bảo hiểm VietinBank cho biết, kỳ vọng của khách hàng đang ngày một tăng, đòi hỏi các DNBH "nói được tiếng nói của khách hàng", cũng như có được năng lực phân tích trong suốt quá trình tư vấn về sản phẩm bảo hiểm. Hiểu rõ mong muốn này, ứng dụng My VBI của DN này ra đời với đầy đủ các tính năng tiện ích, hỗ trợ khách hàng như: mua bảo hiểm trực tuyến, tái tục bảo hiểm, khai báo bồi thường, chụp ảnh tổn thất xe cơ giới tại hiện trường, hướng dẫn bồi thường bảo hiểm…
Đại diện Chubb Life Việt Nam chia sẻ, tiếp tục theo định hướng công nghệ hóa, công ty liên tục đầu tư mạnh mẽ vào nền tảng kỹ thuật số nhằm mang đến trải nghiệm dịch vụ bảo hiểm số hiện đại cho khách hàng và nâng cao hiệu suất của đội ngũ đại lý. Điều này sẽ giúp tạo sức bật để Chubb Life Việt Nam đi nhanh và đi vững trong hành trình hướng đến hình ảnh “công ty công nghệ bảo hiểm” vững mạnh, đồng thời nâng tầm vị thế trên thị trường bảo hiểm nhân thọ trước kỷ nguyên số.
Đại diện FWD Việt Nam cho biết, là DN luôn gắn liền với công nghệ và đổi mới, mục tiêu của công ty là tạo ra những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng bằng các giải pháp công nghệ thân thiện và đơn giản với người dùng. Bên cạnh đó, yếu tố con người vẫn giữ một vai trò rất quan trọng. Đó là lý do công ty kết hợp linh hoạt công nghệ tiên tiến cũng như sự tận tâm của toàn thể đội ngũ nhân viên và tư vấn viên, để đảm bảo khách hàng luôn là trọng tâm trong tất cả công việc công ty làm.
Báo cáo số liệu thị trường năm 2020 cho thấy, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2020 đạt 186.221 tỷ đồng (tăng 16,5%), trong đó, bảo hiểm phi nhân thọ đạt 55.664 tỷ đồng (tăng 5,3%), bảo hiểm nhân thọ đạt 130.557 tỷ đồng (tăng 22%). Tổng mức chi trả quản lý bảo hiểm 47.039 tỷ đồng; tổng tài sản 554.909 tỷ đồng (tăng 21,5%). Ngành bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế 434.379 tỷ đồng (tăng 21%). Tổng dự phòng nghiệp vụ 364.153 tỷ đồng (tăng 25%)…
Báo cáo từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, trong bối cảnh dịch bệnh, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2021 toàn thị trường ước đạt 48.412 tỷ đồng, tăng trưởng 23,58% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, năm 2021, sự bùng phát trở lại của Covid-19 có tác động đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tuy nhiên các DN đã xây dựng các phương án thích ứng với tác động của dịch bệnh, trong đó có việc đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ để tạo trải nghiệm mới cho khách hàng cũng như tối ưu các hoạt động giám định, bồi thường… Do vậy, thị trường vẫn giữ được nhịp tăng trưởng và kỳ vọng tăng tốc trong thời gian tới.
Năm 2021, dự báo có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và đến năm 2025 là 15% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ. Doanh thu phí bảo hiểm bình quân GDP đến năm 2025 là 3,5%. Việc tiếp tục chuyển sổ trong lĩnh vực bảo hiểm là yêu cầu tất yếu nhằm đáp ứng được sự phát triển của thị trường bảo hiểm trong giai đoạn tới
Yến AnhBạn đang xem bài viết Giải pháp giúp doanh nghiệp vượt COVID-19, duy trì đà tăng trưởng tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].