Đột quỵ biểu hiện ở phụ nữ khác với đàn ông: 7 dấu hiệu đừng chủ quan xem nhẹ

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ năm ở phụ nữ, tuy nhiên các triệu chứng đột quỵ ở phụ nữ thường bị bỏ qua và đó là nguyên nhân dẫn tới nguy cơ tử vong cao.

Đối với bệnh đột quỵ, mỗi giây phút đều có giá trị. Việc nhận biết nhanh chóng các dấu hiệu đột quỵ là một trong những cách tốt nhất để cứu sống người bệnh.

BE-FAST là quy tắc hữu ích để xác định cơn đột quỵ, viết tắt của:

  • Balance loss: mất thăng bằng
  • Eyesight changes: giảm thị lực
  • Face drooping: biến đổi khuôn mặt
  • Arm weakness: khó cử động tay
  • Speech difficulty: khó nói
  • Time: nhanh chóng gọi cấp cứu

Mặc dù quy tắc trên giúp xác định các triệu chứng phổ biến nhất của đột quỵ, nhưng không phải biểu hiện đột quỵ ở mọi người là như nhau.

Theo Tiến sĩ Thần kinh học Hera Kamdar tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio, Mỹ, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ thường xuyên xuất hiện các triệu chứng đột quỵ không điển hình và mơ hồ hơn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 5 ở phụ nữ. TS Kamdar tin rằng các triệu chứng khác thường và bị bỏ qua là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.

Nắm được những dấu hiệu này có thể giúp người bệnh khôi phục hoàn toàn sau đột quỵ, tránh những viễn cảnh xấu như tàn tật vĩnh viễn, hoặc thậm chí tử vong.

Những dấu hiệu đột quỵ ở phụ nữ thường bị bỏ qua, xem nhẹ

dot quy o phu nu

Ngoài các triệu chứng được liệt kê trong quy tắc BE-FAST, TS Kamdar cho biết có một số dấu hiệu đột quỵ ít được chú ý hơn ở phụ nữ, bao gồm: 

  1. Nhức đầu dữ dội
  2. Suy nhược toàn thân
  3. Mệt mỏi toàn thân
  4. Khó thở và đau ngực
  5. Buồn nôn và nôn
  6. Sương mù não
  7. Nấc cụt

Kamdar cho biết những triệu chứng này xuất hiện đột ngột, có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác và có thể không chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể (yếu cơ một bên thường gặp ở những người bị đột quỵ). Ngoài ra, những triệu chứng này sẽ không cải thiện theo thời gian.

Một số triệu chứng trong danh sách như nấc cụt thoạt nhìn có vẻ chỉ là ngẫu nhiên. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã cho thấy nấc cụt liên quan đến đột quỵ có thể là dấu hiệu tổn thương não ở các khu vực như hành tủy (medulla oblongata, nơi kiểm soát nhịp thở) và vỏ não trên lều (supratentorial cortex, nơi liên quan đến kiểm soát chuyển động).

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là mọi phụ nữ phải lo sợ cho tính mạng mỗi khi nấc cụt hay thấy mệt mỏi, buồn ngủ. Tuy nhiên các triệu chứng sẽ trở nên đáng lo ngại khi chúng nghiêm trọng đến mức làm suy giảm chức năng của bạn, chẳng hạn như cảm thấy yếu đuối và mệt mỏi tới không thể rời khỏi giường.

Tương tự, nấc cụt không nhất định là dấu hiệu của đột quỵ, nhưng sẽ đáng lo ngại nếu nó làm tổn thương cổ họng của bạn hoặc kết hợp với các triệu chứng khác, chẳng hạn như nôn mửa.

Vì sao triệu chứng đột quỵ ở phụ nữ khác với đàn ông?

Các nhà khoa học đã đưa ra một số lý thuyết giải thích tại sao đàn ông và phụ nữ biểu hiện đột quỵ khác nhau. 

Nguyên nhân đầu tiên là do hormone

dot quy o phu nu 2

Estrogen là một trong những hormone sinh dục chính trong cơ thể phụ nữ. Một nghiên cứu đang tiến hành cho thấy nó có tác dụng bảo vệ chống lại đột quỵ. Điều này có thể là nhờ tác dụng chống viêm của estrogen giúp bảo vệ khỏi chấn thương não. Estrogen dường như cũng giúp tăng lưu lượng máu trong động mạch cảnh trong, nơi cung cấp máu cho não.

Tuy nhiên, những lợi ích nội tiết tố này chỉ áp dụng cho estrogen được tạo ra trong cơ thể. Kamdar cho biết việc sử dụng các dạng estrogen tổng hợp (như liệu pháp kiểm soát sinh sản hay thay thế hormone) có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Mặc dù nguy cơ gia tăng vẫn còn nhỏ - cứ 100.000 phụ nữ thì có 8,5 người sẽ bị đột quỵ do kiểm soát sinh sản.

Điều này không có nghĩa là mọi người không nên sử dụng biện pháp kiểm soát sinh sản, mà là những người có các yếu tố nguy cơ đột quỵ không nên sử dụng loại biện pháp tránh thai này.

Nguyên nhân thứ hai là tuổi tác

dot quy o phu nu 4

Phụ nữ cũng bắt đầu sản xuất ít estrogen hơn khi họ già đi, điều này có thể giải thích phần nào tại sao nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ lại cao hơn nam giới.

Nghiên cứu cho thấy nồng độ estrogen giảm đáng kể trong thời kỳ mãn kinh có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ sau này. Nếu phụ nữ sống thọ hơn đàn ông, họ cũng có nhiều thời gian và nguy cơ bị đột quỵ hơn.

Nguyên nhân thứ ba là mang thai

Việc mang thai có thể làm tăng gấp 3 lần nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ trẻ. 10% phụ nữ mang thai ở Mỹ mắc phải tình trạng huyết áp gọi là tiền sản giật, làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Điều này cũng đúng trong thời kỳ hậu sản, đặc biệt nếu chứng tăng huyết áp không được phát hiện hoặc không được điều trị đầy đủ.

Một yếu tố khác góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ khi mang thai là do các cục máu đông. Miller cho biết cơ chế hình thành các cục máu đông khi sinh con là để giúp sản phụ không bị mất quá nhiều máu trong quá trình sinh nở.

Tất nhiên, không phải ai trải qua thời kỳ mang thai cũng bị đông máu, nhưng so với những người không mang thai hoặc sau sinh, nguy cơ trong thời gian này cao hơn nhiều.

Phải làm gì nếu bạn nghi ngờ mình đang bị đột quỵ?

Cả hai nhà thần kinh học đều cho biết tốc độ hồi phục sau đột quỵ phụ thuộc vào tốc độ tìm kiếm sự giúp đỡ cho bản thân hoặc người thân bị đột quỵ.

TS Kamdar cho biết, hiện có nhiều phương pháp điều trị để cải thiện khả năng sống sót sau đột quỵ, nhưng chúng đều phụ thuộc vào thời gian.

Ngay cả khi bạn không chắc chắn liệu ai đó có bị đột quỵ hay không, chuyên gia vẫn khuyên bạn nên gọi cấp cứu.

Thà vào phòng cấp cứu khi không bị gì còn hơn là không đến và bỏ lỡ cơ hội điều trị cơn đột quỵ.

(Theo CNN)

>>> Thiếu máu não thêm trời trở lạnh dễ đột quỵ: 13 thực phẩm nên ăn để cải thiện tuần hoàn não

Hoàng Nguyên

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính