Chị Trần Thu Hà (32 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang mang bầu được hơn 3 tháng. Nghe bạn bè mách rằng, trong thời kỳ mang bầu nên tích cực ăn trứng ngỗng để con sinh ra thông minh, khỏe mạnh.
Tin theo lời bạn, chị Hà đi mua trứng ngỗng về ăn. Nhưng mua trứng ngỗng ngoài chợ lại sợ có thuốc tăng trọng, có cám công nghiệp… Do đó, chị Hà kỳ công nhờ người quen mua trứng ngỗng sạch từ quê với giá 25.000 đồng/quả để gửi ra Hà Nội.
Hiện mỗi tuần chị Hà đang cố gắng ăn 5 quả trứng ngỗng với hy vọng con khỏe mạnh, thông minh.
“Dù mang thai đã hơn 3 tháng nhưng tôi vẫn nghén và mệt mỏi, ăn vào là khó chịu. Mỗi lần ăn quả trứng ngỗng to, chát khít tôi thấy rất sợ, nhưng vì nghĩ ăn trứng ngỗng sẽ tốt cho con, sau này con sẽ thông minh hơn nên đành phải nhắm mắt, nhắm mũi nuốt cho hết quả trứng ngỗng” – chị Hà chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, quan niệm phụ nữ mang thai ăn nhiều trứng ngỗng sẽ đẻ con thông minh là không có cơ sở, đây là quan niệm sai lầm.
Bởi, hiện vẫn chưa có công trình khoa học nào chứng minh trứng ngỗng mang lại hiệu quả thần kỳ như các mẹ bầu đồn thổi. Thực tế, giá trị dinh dưỡng của trứng ngỗng cũng giông như trứng gà, trứng vịt…
Trứng gà và trứng ngỗng có thành phần dinh dưỡng tương đối giống nhau, chỉ khác về số lượng. Do to hơn nhiều lần so với trứng gà, nên trứng ngỗng thường có lượng các chất (bao gồm cả chất béo và cholesterol) nhiều hơn.
Mặc dù trứng ngỗng giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nhưng trong trứng ngỗng chứa khá nhiều chất béo và cholesterol, phụ nữ mang thai ăn nhiều dễ bị cholesterol trong máu và dễ bị thừa cân béo phì.
Vì nghĩ trứng ngỗng tốt mà cố gắng gượng ép để ăn trứng ngỗng còn dẫn đến những hệ lụy không tốt, đặc biệt là miễn cưỡng ăn khi cơ thể không có nhu cầu sẽ gây thừa chất, ảnh hưởng đến tiêu hóa.
Hơn nữa, giá tiền của mỗi quả trứng ngỗng lại rất cao, khó mua hơn trứng gà nên còn ảnh hưởng đến kinh tế.
Đặc biệt, không ít mẹ bầu vì nghĩ trứng ngỗng tốt nên chỉ ăn trứng ngỗng mà quên bổ sung các chất dinh dưỡng khác. Điều này khiến dinh dưỡng không đồng đều trong quá trình mang thai, gây ảnh hưởng tới cả mẹ và con.
Tốt nhất trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu cần bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để có đủ dưỡng chất cho bé phát triển. Đồng thời, cần thăm khám thai định kỳ để được bổ sung đủ vi chất theo khuyến cáo của bác sĩ trong từng giai đoạn phát triển của thai kỳ.
Cha mẹ cần nhớ, con thông minh, khỏe mạnh hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có gene, quá trình nuôi dưỡng, dạy dỗ, giáo dục hay môi trường phát triển chứ không có chuyện chỉ ăn trứng ngỗng mà con thông minh, khỏe mạnh.