1. Giữ ấm cơ thể trong mùa đông để có một thai kỳ khỏe mạnh
Mặc dù phụ nữ mang thai thường có thân nhiệt cao và cảm thấy nóng hơn người bình thường. Tuy nhiên, bà bầu không nên chủ quan hay ăn mặc phong phanh trong thời tiết lạnh. Bởi cơ thể mẹ bầu rất nhạy cảm với nhiệt độ và gió lạnh, dễ mắc các bệnh đường hô hấp như ho, cảm lạnh, cảm cúm…
Đặc biệt, khi cơ thể mẹ bầu bị lạnh sẽ làm các mạch máu co lại, điều này làm tăng nguy cơ huyết áp trong thai kỳ. Tăng huyết áp gây nên nhiều ảnh hưởng xấu đến cả mẹ bầu và thai nhi.
Do đó, để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ cầu cần giữ ấm cơ thể đúng cách. Mẹ bầu nên mặc quần áo nhiều lớp để dễ dàng điều chỉnh khi nhiệt độ cơ thể thay đổi, không nên mặc một áo dày. Khi đi ra ngoài trời cần mặc ấm, giữ ấm đầu, mặt, cổ, tay, chân… Khi tắm rửa, vệ sinh thân thể cần sử dụng nước ấm, tránh nơi gió lùa.
2. Uống nhiều nước ấm
Không khí khô hanh của mùa đông có thể khiến cơ thể mất nước nhiều hơn. Trong khi đó, bà bầu cần uống lượng nước nhiều hơn bình thường để đảm bảo mức nước ối nuôi dưỡng thai nhi.
Hơn nữa, việc uống nhiều nước còn giúp mẹ bầu giảm tình trạng bị chuột rút, táo bón trong thời kỳ mang thai.
Mẹ bầu được khuyến nghị uống khoảng 2 - 3 lít nước mỗi ngày, nên uống nước ấm trong mùa đông lạnh, có thể bổ sung thêm nước hoa quả vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Xem thêm:
3. Bổ sung rau củ quả vào chế độ ăn của bà bầu
Để tăng cường hệ miễn dịch trong mùa đông lạnh, mẹ bầu nên bổ sung nhiều hoa quả, rau củ tươi vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Các loại rau củ quả thường giàu vitamin và các chất chống oxy hóa, giúp bà bầu chống chọi tốt hơn với các bệnh do thời tiết. Đặc biệt, nguồn vitamin C dồi dào trong rau củ quả giúp làn da của bà bầu tràn đầy sức sống hơn trong mùa đông.
Ngoài ra, bà bầu thường gặp phải tình trạng táo bón trong thời kỳ mang thai, gây chán ăn, mất thăng bằng chức năng dạ dày ruột… Việc bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả sẽ giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng táo bón.
4. Tiêm phòng đầy đủ để có một thai kỳ khỏe mạnh
Vào mùa đông, mẹ bầu thường dễ mắc các bệnh dễ lây qua đường hô hấp. Do đó, việc tiêm vắc-xin đầy đủ trước và trong khi mang thai đặc biệt quan trọng cho cả mẹ và bé.
Nếu đang mang thai nhưng trước đó chưa được tiêm phòng, mẹ bầu cần tiêm các vắc-xin như: cúm, ho gà - bạch hầu - uốn ván, uốn ván… Tiêm phòng cúm cho bà bầu có thể được thực hiện 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ, tiêm nhắc lại mỗi năm 1 lần để đạt hiệu quả phòng bệnh tối đa.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ nữ mang thai được tiêm vắc-xin Boostrix phòng ho gà - bạch hầu - uốn ván từ tuần thai 27 - 35 sẽ tạo cơ hội cho thai nhi và trẻ em được phòng bệnh trong những tháng đầu đời khi chưa đủ độ tuổi tiêm vắc-xin.
5. Tập luyện thể dục đều đặn
Thời tiết lạnh khiến các hoạt động tập luyện thể dục của mẹ bầu giảm đáng kể, điều này hoàn toàn không tốt cho cả mẹ và bé.
Tập thể dục đều đặn trong thai kỳ đem lại nhiều lợi ích như: Giảm đau lưng và đau vùng xương chậu; Giảm táo bón; Phòng ngừa tăng cân quá mức; Giảm nguy cơ đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật và mổ lấy thai; Cải thiện thể lực chung, tăng cường sức mạnh cho tim và mạch máu…
Để an toàn cho cả mẹ và bé, mẹ bầu có thể chọn các loại hình tập luyện sau:
- Đi bộ: Đây là một hình thức tập luyện phổ biến và dễ thực hiện. Phụ nữ mang thai được khuyên tập 20 - 30 phút mỗi ngày.
- Bơi hoặc bài tập dưới nước: Phương pháp tập này ít nguy cơ gây chấn thương. Thường được khuyến cáo cho những thai phụ thừa cân hoặc béo phì.
- Tập với xe đạp cố định: Do giảm khả năng thăng bằng khi mang thai, mẹ bầu nên tập với xe đạp cố định thay vì lái xe trên đường để giảm nguy cơ ngã.
- Yoga được điều chỉnh cho thai phụ: Yoga giúp giảm căng thẳng, tăng cường sự dẻo dai, sức cơ cũng như chức năng hô hấp. Chị em nên tập một số bài tập yoga được thiết kế riêng cho phụ nữ mang thai.
Phụ nữ mang thai nên tập ít nhất 150 phút mỗi tuần với các bài tập mức độ trung bình. Để tạo một thói quen tập đều đặn, chị em nên chia thời gian tập mỗi ngày khoảng 30 phút.