Trứng ngỗng có giá trị dinh dưỡng như thế nào?
Trứng ngỗng là một loại trứng gia cầm, trọng lượng một quả trứng ngỗng khoảng 300 gam, nặng gấp 4 lần trứng gà và 3 lần trứng vịt.
Về giá trị dinh dưỡng trong 100 gam trứng ngỗng có khoảng: 13,0 gam protein, 14,2 gam lipid, 360 mcg vitamin A, 71 mg calxi; 210 mg phosphor; 3,2 mg sắt; 0,15mg vitamin B1, 0,3mg vitamin B2, 0,1mg vitamin PP…
So với trứng gà, trứng ngỗng có tỷ lệ protein thấp hơn (tỷ lệ protein trong trứng gà toàn phần là 14,8%) nhưng lại có lượng lipid cao hơn (tỷ lệ lipid trong trứng gà là 11,6%).
Hàm lượng vitamin A trong trứng ngỗng chỉ bằng một nửa so với trứng gà (360 mcg so với 700 mcg trong trứng gà), đặc biệt là vitamin A rất cần cho phụ nữ có thai.
Ăn trứng ngỗng có giúp con thông minh?
Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, hiện nay chưa có một nghiên cứu nào chứng minh ăn trứng ngỗng sẽ sinh con thông minh hơn. Do đó, quan niệm bà bầu ăn trứng ngỗng sẽ đẻ con thông minh là không có cơ sở khoa học.
Ngoài ra, trứng ngỗng có nhiều cholesterol và giàu lipid là những chất không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch của phụ nữ mang thai bị thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, tiểu đường, tăng huyết áp,…
Về an toàn vệ sinh thực phẩm thì trứng gà sạch hơn trứng ngỗng, vì gà đẻ trứng ở nơi khô dáo, nơi ít có vi khuẩn và ký sinh trùng, vì vậy trứng gà hạn chế lây nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng hơn trứng ngỗng.
Hơn nữa, giá tiền của mỗi quả trứng ngỗng lại rất cao, khó mua hơn trứng gà nên còn ảnh hưởng đến kinh tế.
Điều đáng nói là không ít mẹ bầu vì nghĩ trứng ngỗng tốt nên chỉ ăn trứng ngỗng mà quên bổ sung các chất dinh dưỡng khác. Điều này khiến dinh dưỡng không đồng đều trong quá trình mang thai, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và em bé.
Mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khác nhau, không có loại thực phẩm nào là hoàn thiện đủ các chất dinh dưỡng. Vì vậy, để tốt cho cả mẹ và bé, trong thời kỳ mang thai, mẹ bầu cần bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để có đủ dưỡng chất cho em bé phát triển. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần thăm khám thai định kỳ để được bổ sung đủ vi chất theo khuyến cáo của bác sĩ trong từng giai đoạn phát triển của thai kỳ.
Cha mẹ cũng cần nhớ, trẻ thông minh hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng của người mẹ, bổ sung viên sắt/ acid folic trong thời gian mang thai, yếu tố di truyền, môi trường sống và giáo dục sau này... chứ không phụ thuộc vào ăn nhiều trứng ngỗng hay không.
3 cách lựa chọn trứng có chất lượng tốt
- Soi trứng trên nguồn ánh sáng: Nắm quả trứng trong lòng bàn tay, chỉ hở hai đầu trứng, mắt nhìn vào đầu trứng, đầu kia soi lên một nguồn ánh sáng (ánh sáng mặt trời hoặc sáng điện). Quan sát phần bên trong của trứng có vết máu không? có ký sinh trùng, giun sán, có vật gì lạ không?. Trứng soi có màu hồng, trong suốt với một chấm hồng; túi khí có đường kính < 1cm, đường bao quanh cố định.
- Thả trứng vào dung dịch nước muối 10%: Khi thả vào dung dịch trứng chìm xuống đáy có nghĩa là trứng mới đẻ trong ngày. Trứng lơ lửng trong dung dịch có nghĩa là trứng đã đẻ 3 -5 ngày. Nếu trứng nổi trên mặt dung dịch thì trứng đã đẻ quá 5 ngày.
- Phương pháp lắc trứng: Cầm quả trứng giữa hai ngón tay trỏ và ngón tay cái, khẽ lắc. Trứng mới lắc không kêu, trứng càng để lâu lắc càng kêu.