Bác sĩ Nguyễn Hải Ánh, chuyên khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho biết, thói quen ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học là một trong những nguyên nhân làm cho ngày càng nhiều người mắc các bệnh đường tiêu hóa, trong đó có viêm loét dạ dày. Để bảo vệ đường tiêu hóa, cần từ bỏ những thói quen xấu dưới đây càng sớm càng tốt.
Bỏ ăn sáng: Thói quen không ăn sáng sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, dễ mắc bệnh dạ dày, béo phì. Với những người có bộ máy tiêu hóa dễ kích thích nên sử dụng các thực phẩm ấm nóng, thanh đạm vào buổi sáng. Bởi dạ dày thích hợp tiêu hóa các thức ăn ấm nóng để hồi phục sức lực, hơn nữa thực phẩm thanh đạm sẽ không gây cảm giác nặng bụng, khó tiêu.
Ăn quá nhanh: Thức ăn vào cơ thể, phải mất một khoảng thời gian để truyền tín hiệu từ dạ dày lên não và não “điều khiển” việc tiết dịch vị ở dạ dày để tiêu hóa thức ăn và sau đó nhận tín hiệu “no” từ dạ dày để phát tín hiệu ngừng ăn. Nhưng nếu chúng ta ăn quá nhanh, tức là lượng thức ăn được “nạp” vào quá nhanh, não bộ chưa kịp nhận tín hiệu từ dạ dày và kết quả là dạ dày không kịp tiết dịch và co bóp để tiêu hoá thức ăn. Thói quen ăn nhanh lâu ngày có thể dẫn tới bệnh đau dạ dày.
Vừa ăn sáng vừa xem tivi, điện thoại di động: Thói quen vừa ăn vừa xem điện thoại, tivi sẽ khiến dạ dày phải làm việc quá mức, tình trạng này diễn ra lâu ngày sẽ hủy hoại dạ dày. Với những người đang bị viêm loét dạ dày, vừa ăn vừa xem điện thoại sẽ làm cho đường tiêu hóa bị rối loạn, gây đau bụng, đầy bụng, khó tiêu. Khi quá trình tiêu hoá không được lưu thông, thức ăn bị ứ trệ khiến cho dạ dày phát tiết nhiều axit để tiêu hoá thức ăn và việc tiết dịch axit quá mức sẽ ăn mòn niêm mạc dạ dày làm cho bệnh viêm loét dạ dày trở nên trầm trọng hơn.
Sử dụng các chất kích thích: Việc thường xuyên uống rượu, bia, uống cà phê, uống trà lúc đói sẽ gây hại cho dạ dày. Rượu, bia có cồn, không tốt cho niêm mạc dạ dày mà còn gây hại cho gan. Cà phê có tính axit cao, có thể gây kích ứng thành bụng, đau bụng. Đặc biệt, sáng thức dậy chưa ăn gì đã uống trà hoặc cà phê sẽ làm tăng thêm axit cho dạ dày, tạo năng lượng dư thừa, khiến cơ thể rơi vào trạng thái bị kích thích.
Đồ ăn cay: Thường xuyên ăn đồ ăn cay có thể gây cảm giác buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Nếu bạn bị đau dạ dày, hãy chọn thức ăn nhẹ, tránh gia vị cay như ớt, tỏi, hạt tiêu... để không kích thích hệ tiêu hóa và tăng tình trạng nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Uống nước chanh vào buổi sáng: Một số người thường uống nước chanh hoặc nước chanh muối vào buổi sáng để thanh lọc cơ thể, đào thải các độc tố tích tụ trong cơ thể. Thường xuyên uống như vậy sẽ gây hại cho dạ dày, bởi buổi sáng khi bụng rỗng dạ dày có rất nhiều axit, uống thêm một lượng lớn nước chanh có chứa axit vào nữa thì sẽ tạo một áp lực rất lớn cho dạ dày, hủy hoại dạ dày, phá hủy gan, thận và cả bộ máy tiêu hóa.