Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và kéo dài, nguy cơ lây lan cao. Tính đến ngày 8/6, đã có 58 địa phương xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, với số lượng buộc phải tiêu hủy là hơn 2,3 triệu con lợn.
Bộ NN&PTNT cho rằng, hầu hết các địa phương đã chủ động dập dịch, xử lý ngăn chặn đà lây lan. Các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng đã tiêu huỷ trung bình 30% tổng đàn lợn địa phương vì mắc dịch.
Khó khăn hiện nay được các địa phương nêu ra là thiếu kinh phí chi trả hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại và chi phí tiêu thuỷ dịch. Theo ông Ngô Gia Tự - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, tổng kinh phí hỗ trợ cho 12.000 tấn lợn chết trên địa bàn là 442 tỷ đồng, trong khi ngân sách địa phương eo hẹp, chỉ trích được 13%, còn ngân sách Trung ương chưa hỗ trợ kịp.
Còn tỉnh Thái Bình đã chi 150 tỷ đồng hỗ trợ bà con tiêu huỷ 70.000 tấn thịt lợn, Hà Nam đã chi 54 tỷ đồng hỗ trợ 23% tổng đàn lợn bị chết vì dịch và đang chờ hỗ trợ từ Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hoàng Giang thông tin, đã chi trả hỗ trợ 150 tỷ đồng cho 70.000 tấn thịt lợn tiêu huỷ nhưng vẫn rất thiếu.
Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch tỉnh Hưng Yên Nguyễn Minh Quang, tỉnh này đã phải tiêu huỷ 160.000 con lợn, chiếm gần 40% tổng đàn lợn, các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ đã bị "xoá sổ" hoàn toàn.
Hiện chỉ còn 60% đàn lợn không bị dịch của các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi lớn (có từ 300 con trở lên) và tỉnh đang ưu tiên để bảo vệ khu vực này. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của Hưng Yên là khả năng chi trả hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại và chi phí tiêu huỷ.
Đáng nói, ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tỉnh sẽ phải hỗ trợ chi phí 900 tỷ đồng, trong đó tỉnh bỏ ra gần 300 tỷ đồng gồm cả quỹ để nâng lương chưa dùng đến (được Thường trực HĐND tỉnh chấp thuận). Bởi vậy, lãnh đạo tỉnh Hải Dương lo lắng, giờ tỉnh mà gặp bão lũ thì địa phương... hết tiền.
Ngoài việc hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn chết vì dịch, các địa phương cũng nêu lên khó khăn nữa là chi phí hỗ trợ cho công tác tiêu huỷ, chôn lấp lợn dịch còn thấp.
Trước tình trạng trên, Bộ NN&PTNT đã kiến nghị Chính phủ thống nhất mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi 25.000 đồng một kg lợn hơi với lợn con, lợn thịt các loại (tương đương 66% giá thành), 30.000 đồng một kg lợn hơi với lợn nái, lợn đực đang khai thác (tương đương 79% giá thành).
Việc hỗ trợ dựa trên giá thành sản xuất sẽ ổn định hơn là hỗ trợ theo giá thị trường và sát với chi phí thực tế chăn nuôi lợn của người dân, tạo sự công bằng hơn giữa các địa phương...
Cùng đó, sẽ bổ sung đối tượng chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn được hỗ trợ 30% mức hỗ trợ cho chủ vật nuôi để duy trì sản xuất, tái đàn khi hết dịch; hỗ trợ cho chủ cơ sở nuôi giữ lợn giống mức 500.000 đồng một con, điều chỉnh mức tăng hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống dịch bệnh động vật...
Tại cuộc họp với Bộ NN&PTNT và các bộ ngành liên quan cùng các địa phường vùng đồng bằng sông Hồng- nơi phát dịch tả lợn châu Phi đầu tiên của cả nước vào tuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với đề xuất của Bộ NN&PTNT, hỗ trợ vật nuôi tiêu huỷ theo tỷ lệ % giá thành, bổ sung đối tượng hỗ trợ là chủ doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên cơ sở xem xét các yếu tốt tham gia bảo hiểm nông nghiệp (nếu có).
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị tăng hỗ trợ cho người tham gia tiêu hủy phòng chống với mức sàn là 200.000 đồng/người/ngày thường và mức sàn 400.000 đồng/người/ngày nghỉ lễ và thẩm quyền của Vhủ tịch UBND tỉnh quyết định mức chi cụ thể, phù hợp với đặc thù tài chính, ngân sách địa phương.
Đồng thời Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính làm thủ tục tạm ứng ngay khoảng 1.200 tỷ đồng cho các địa phương trong vùng để hỗ trợ dân có lợn bị dịch. Các nội dung này sẽ được nêu tại Nghị quyết của Chính phủ thay thế Nghị quyết số 16 về một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Bạn đang xem bài viết Dịch tả lợn châu Phi: Hơn 2,3 triệu con lợn đã bị tiêu hủy tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].