Tại Hà Nội, thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, mặc dù số ca mắc sốt xuất huyết liên tục giảm trong 11 tuần gần đây.
Tuần vừa qua giảm 73 trường hợp so với tuần trước và giảm 2.780 trường hợp (78%) so với tuần cao điểm của tháng 8 nhưng số mắc còn ghi nhận ở mức cao.
Hơn nữa, điều kiện thời tiết vẫn thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản phát triển.
Thêm vào đó, hiện còn 8 quận, huyện có trên 50 bệnh nhân/tuần (chiếm tỷ lệ 66,2% toàn thành phố) nên nguy cơ dịch quay trở lại vẫn cao nếu lơi lỏng các biện pháp phòng, chống.
Do đó, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khuyến cáo, cần tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch để hạn chế số ca mắc mới và tử vong.
Đồng thời các đơn vị cần chuẩn bị xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cho năm tiếp theo phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Hiền cũng nhấn mạnh, ‘tuy dịch bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu giảm nhưng vẫn đang ở giai đoạn cao điểm vì theo chu kỳ, tháng 10, tháng 11 mới là đỉnh dịch.
Vì vậy, người dân không được chủ quan, phải quyết liệt diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi… để không còn môi trường cho muỗi truyền bệnh sinh sống’.
Trong thời gian tới với điều kiện khí hậu mùa đông - xuân rất thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh và phát triển, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, rubella, ho gà, viêm màng não do não mô cầu, các bệnh cúm gia cầm độc lực cao, cúm A(H7N9), (H5N1), tiêu chảy do vi rút Rota.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông - xuân, cần tăng cường công tác vệ sinh môi trường, nâng cao sức đề kháng và đi tiêm đầy đủ, đúng lịch vắc xin phòng bệnh.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; tập trung triển khai công tác tiêm chủng; tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
+ Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
+ Thả cá hoặc mê zô vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
+ Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
+ Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
+ Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
+ Mặc quần áo dài tay.
+ Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
+ Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
+ Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
+ Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
- Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Đã có 30 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].