Trong khi thế hệ trước ‘nhà nào biết nhà nấy’ thì ngày này, các ông bố bà mẹ cập nhật về việc nuôi con hàng ngày, hàng giờ với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người bạn từ thân đến sơ.
Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận, việc này đôi khi vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ. Trong một cuộc khảo sát trên tạp chí Parents, trong số hơn 2.000 người tham gia, 79% phàn nàn về việc bạn bè chia sẻ quá nhiều ảnh con trên mạng xã hội, trong khi chỉ 32% cho rằng mình cập nhật ‘quá đà’.
Hơn nữa, chúng ta chưa lường trước được hậu quả của việc này với con cái mình bởi đây là thế hệ đầu tiên sinh ra dưới thời mạng xã hội lên ngôi.
Dưới đây là những ‘căn bệnh’ thường gặp của bố mẹ và những ảnh hưởng của nó đến chính họ cũng như con cái họ và cách họ dạy con.
Bố mẹ câu ‘like’, con cái ảo tưởng
Chính việc cha mẹ chụp ảnh, quay phim và đăng tải lên mạng khiến nhiều trẻ em lầm tưởng mạng xã hội là nơi ai cũng có thể nổi tiếng.
Trong một khảo sát các trẻ em từ 9 đến 13 tuổi ở Trung tâm truyền thông kỹ thuật số của trường Đại học California, Los Angeles, những em đã có tài khoản mạng xã hội muốn nổi tiếng hơn những em không dùng mạng xã hội.
Điều đáng ngạc nhiên là nhiều em dù còn rất nhỏ đã biết hỏi bố mẹ xem ảnh mình được bao nhiêu lượt ‘like’ hoặc có ai bình luận gì về ảnh mình không.
Mơ ước được nổi tiếng không xấu nhưng suy nghĩ lệch lạc về sự nổi tiếng từ mạng xã hội có thể khiến các em bỏ bê việc học hành, nghĩ ra nhiều chiêu trò để câu ‘like’ cũng như ảo tưởng về bản thân.
Hệ luỵ việc khoe con quá đà
60% những người trả lời khảo trên trên tạp chí Parents cho rằng cha mẹ khoe con quá nhiều trên mạng xã hội.
Họ không ngần ngại đăng ảnh con tham gia các hoạt động ngoại khóa, giành huy chương hoặc lần đầu tiên trải nghiệm điều gì đó.
Thậm chí, nhiều bố mẹ còn nâng con mình lên và dìm con nhà người khác xuống.
Vẫn còn quá sớm để nói về hệ lụy lâu dài của những dòng chia sẻ này nhưng các chuyên gia đều đồng tình điều này không có lợi cho con cái.
Không chỉ nội dung cha mẹ đăng lên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến con mà thời gian cha mẹ dành để ‘ôm’ điện thoại và cập nhật mạng xã hội cũng khiến con thấy cô đơn và bị bỏ rơi.
Chưa chắc con đã thích khi lớn lên
Đôi khi các bậc phụ huynh dù biết những bài đăng của mình có thể để lại dấu ấn không tốt trong đời con nhưng họ vẫn chia sẻ.
24% những người tham gia khảo sát cho biết họ lo ngại những chia sẻ của mình có thể ám ảnh con khi nó lớn lên, trong khi 32% đã xóa những điều họ nghĩ đáng nhẽ mình không nên đăng tải.
Có những đứa trẻ khi biết ảnh của chúng được gia đình, bạn bè bố mẹ và thậm chí những người không quen biết xem trên mạng xã hội thì tỏ ra rất khó chịu.
Chúng không muốn hình ảnh cá nhân của mình được đăng lên, cũng như không muốn mọi người biết câu chuyện của mình bởi vì có những việc bố mẹ thấy các em đáng yêu còn chúng thì chỉ xấu hổ.
Do vậy, các bậc cha mẹ cần phải tôn trọng và hỏi ý kiến con trước khi định chia sẻ một điều gì đó về chúng lên mạng để không làm con tổn thương hoặc tự ti về bản thân.
Hãy hiểu rằng trong cuộc sống có những khoảnh khắc rất bình dị, đẹp đẽ và hạnh phúc giữa bố mẹ con cái mà không cần phải chia sẻ với ai, cũng không cần ai phải ‘like’ hay bình luận.
Hội chứng phô diễn sự hoàn hảo của các ông bố bà mẹ
Nhiều bậc phụ huynh trên mạng xã hội tạo cho bạn cảm giác họ có cuộc sống hoàn hảo.
Tuy nhiên, 60% những người tham gia khảo sát tin rằng hầu hết cha mẹ không trung thực về những gì họ đăng tải trên mạng xã hội.
Có những người mẹ đi làm bận rộn nhưng luôn cập nhật những món rất ngon và cầu kỳ trên Facebook với dòng trạng thái: “Hôm nay mình vào bếp”, mặc dù có thể thật ra tối hôm đó gia đình họ gọi đồ ăn nhanh về.
Nhiều người mẹ thừa nhận họ rất để ý những gì người khác nghĩ về mình với vai trò một người mẹ, người vợ và phụ nữ.
Vì thế, những bức ảnh họ đăng rất có chọn lọc, nền và ánh sáng phải ‘chuẩn’, mẹ và các con ăn mặc phải đẹp.
Mạng xã hội khiến các ông bố bà mẹ mang áp lực cạnh tranh: Ai là người có nhà sạch nhất, con cái ai xinh xắn nhất, cuộc hôn nhân nào hạnh phúc nhất.
Thế nhưng, bạn không thể biết được điều gì đằng sau bức ảnh, cũng như chẳng ai có cuộc sống hoàn hảo cả, chỉ có những người giỏi ‘kể chuyện’ mà thôi.
Quỳnh AnhBạn đang xem bài viết Con cái dễ cô đơn khi bố mẹ ‘sống ảo’ trên Facebook tại chuyên mục Nếp nhà của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].