Có nên xông mũi họng tại nhà cho con?

Khi trẻ bị sổ mũi, ngạt mũi, không ít cha mẹ tự tìm mua các loại máy xông về tự xông mũi họng cho con. Nhưng theo bác sĩ nhi khoa, cách làm này lại gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hại cho sức khỏe.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dùng máy khí dung để xông mũi tại nhà cho trẻ có thể xảy ra những điều đáng tiếc.

Thực tế đã có không ít trường hợp bệnh của trẻ không những không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng, đến mức trẻ không chịu được đã phải nhập viện vì lên cơn khó thở, toàn thân tím tái sau khi khí dung tại nhà.

  Tự xông mũi họng ở nhà cho trẻ có thể gặp phải những tác dụng phụ nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Ảnh minh họa

Tự xông mũi họng ở nhà cho trẻ có thể gặp phải những tác dụng phụ nguy hiểm đến tính mạng trẻ. Ảnh minh họa

Một điều nguy hiểm nữa là nhiều cha mẹ thường bỏ qua những vấn đề như thuốc để xông cho trẻ có thực sự phù hợp với thể trạng bệnh của trẻ hay không; liều lượng và thời gian dùng như thế nào cho hợp lý... mà đã vội vàng tự ý cho con dùng thuốc.

Chính những điều này đã dẫn đến nhiều trẻ nhập viện điều trị trong tình trạng bệnh đã nặng lên hoặc có nhiều biến chứng, gây khó khăn trong việc điều trị dứt điểm bệnh cho trẻ.

Bác sĩ Dũng cho biết thêm, phương pháp khí dung là sử dụng máy bơm đẩy mạnh dung dịch thuốc được pha chế sẵn, chuyển thành các hạt khí nhỏ khoảng 50 micron vào xoang mũi của người bệnh.

Các hạt khí thuốc này bay trong khí hít thở để đến được mọi khe ngách ở mũi, vào được các xoang dễ dàng, thấm qua niêm mạc mũi xoang.

Phương pháp khí dung có hiệu quả trong điều trị viêm nhiễm đường hô hấp đặc biệt là bệnh lý mũi xoang và họng.

Tuy nhiên, tùy từng trường hợp bệnh, thể trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc bằng đường hít khác nhau. Trong viêm mũi - xoang - họng dị ứng bị hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi... thì thường dùng thuốc xông dạng corticoid.

Nhưng nếu có nhiễm khuẩn, bội nhiễm có thể sẽ phải phối hợp thêm kháng sinh. Những trường hợp bị co thắt khí quản, phế quản trong viêm phế quản cấp, bệnh hen phế quản, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính... người ta cũng dùng phương pháp xông thuốc để làm giãn phế quản, giúp bệnh nhân dễ thở.

Khi sử dụng máy phun khí dung phải tuân thủ cách pha thuốc vì nếu pha không đúng liều lượng hoặc quá loãng hay quá đặc, các hạt phun sương không đúng kích thước sẽ không tác dụng vào bên trong phế quản, hoặc lơ lửng bám vào thành xoang, mũi, họng, chưa kịp xuống đến các phế quản.

Do đó, để đảm bảo an toàn, cha mẹ không nên tự ý xông mũi họng cho trẻ tại nhà. Việc tự điều trị bằng khí dung có thể gây ra các tác dụng phụ như:

- Dị ứng thuốc: ho cơn, khàn giọng.

- Nhiễm nấm vùng hầu họng, kích thích niêm mạc hầu họng hoặc kích thích do thuốc khí dung corticoid.

- Teo niêm mạc hầu họng do sử dụng corticoid kéo dài.

- Tổn thương toàn thân do tác dụng phụ của corticoid như loãng xương, giảm phát triển cơ, rối loạn tiêu hoá...

L.Minh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính