Hà Nội phát hiện thêm 6 - 8 ca dương tính lần 1
Tại cuộc họp, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang trải qua giai đoạn chống dịch vô cùng vất vả.
"Trong giai đoạn 1 chỉ xác định nguồn lây nhiễm từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, nhưng hiện nay ta phải đối mặt với nguồn lây nhiễm từ rất nhiều nước. Nguy cơ lây nhiễm có từ tất cả các quốc gia, chỉ cần lọt 1 trường hợp vào, như Bình Thuận, có thể lây nhiễm cho nhiều người".
Ông Chung nhận định số người Việt ở nước ngoài hồi hương sẽ rất lớn. Hiện có khoảng 600-800 người về, ngày cao điểm lên tới 1.000 người, vì thế, phải tính chỗ ăn ở, cách ly cho số người này. Rất có thể số lượng này lên tới hàng chục nghìn người những ngày tới.
Bởi vậy, Hà Nội đã quyết định thành lập thêm một số khu cách ly tập trung trên địa bàn như tại khu nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Các khu cách ly tập trung có nhiệm vụ: Tổ chức cách ly cho những người cách ly tại Quyết định số 878/QĐ- BYT ngày 12/3 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung phòng chống dịch COVID - 19”.
Ngày 18/3, Hà Nội đã phát hiện thêm 6 - 8 trường hợp dương tính lần 1. Có thể trong hôm nay 19/3 sẽ có thêm 6 - 8 ca nhiễm COVID-19. "Người dân có thể dao động, nhưng cần bình tĩnh, chủ động thực hiện các biện pháp ăn uống, chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình" - Chủ tịch Chung cho hay.
Dịch có thể kéo dài tới mùa hè
Ông Chung nhận định, các ý kiến cho rằng dịch sẽ hết khi mùa hè tới, thời tiết nóng lên, tuy nhiên trên thực tế ở Malaisia hay Bình Thuận, thời tiết nắng nóng nhưng COVID-19 vẫn phát triển lây lan. Từ thực tế đó, Chủ tịch Hà Nội dự báo dịch có thể không giảm vào mùa hè, dù thời tiết có nóng lên.
"Trung Quốc đã trải qua 12 tuần chống dịch COVID-19 và ở quốc gia này, dịch chỉ hạ nhiệt từ tuần thứ 9. Nếu kịch bản của Hà Nội giống Trung Quốc thì chúng ta còn phải chiến đấu với COVID-19 thêm 10 tuần nữa. Tính từ khi Hà Nội có người nhiễm và lây chéo mới 2 tuần, nên thời gian tới sẽ rất vất vả. Chúng ta phải định hình để chống dịch hiệu quả"
Từ nhận định đó, Chủ tịch Chung quyết định cho học sinh toàn TP nghỉ hết ngày 5/4. "Tuy nhiên, chúng ta cũng không kỳ vọng hết 5/4 học sinh đã có thể đi học được".
Người dân nên hạn chế ra đường hết 31/3
Phân tích nguồn lây nhiễm bệnh tại Hà Nội, Chủ tịch Chung cho biết có 3 nguồn lây nhiễm:
Thứ nhất chính là từ việc tiếp nhận, phân loại và xét nghiệm ngay sân bay Nội Bài. Với hành khách nhập cảnh vào đây theo đường bay quốc tế đã được kiểm soát, còn khách quá cảnh hay vào bằng đường bộ vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Nguồn lây nhiễm thứ hai được ông Chung nhắc đến là trong cộng đồng dân cư, khi có nhiều học sinh, sinh viên và khách du lịch vào Việt Nam từ ngày 3/3 và ở trong các khu này.
Nguồn lây nhiễm thứ ba là các cán bộ phải tiếp xúc trực tiếp với công dân diện cách ly. Dù họ có quần áo bảo hộ nhưng tỷ lệ lây nhiễm của người tiếp xúc gần và thực thi công vụ là cao nhất.
Từ đánh giá, nhận định như vậy, ông Chung cho rằng nếu đúng diễn biến như dự đoán, những ngày tới Hà Nội sẽ rất vất vả khi ca nhiễm tăng lên.
Ông cũng khuyến cáo người dân từ nay đến 31/3 nên ở nhà càng nhiều càng tốt, hạn chế đi ra đường và đi xe buýt. Các cửa hàng, hàng quán không phải bán thuốc và lương thực cũng nên đóng cửa hết 31/3.
V.LinhBạn đang xem bài viết Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung khuyên người dân nên hạn chế đi ra đường từ nay đến 31/3 tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].