Báo Điện tử Gia đình Mới

Cảnh giác với bệnh gì khi thấy đau quặn bụng và 2 ngày liền không đại tiện được?

Hoại tử ruột là bệnh lý nặng nhưng lại có biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hoá khác. Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể bị cắt hàng mét ruột. Vì vậy, nắm biết những biểu hiện khởi phát của bệnh sẽ góp phần hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng .

Viêm ruột hoại tử rất nguy hiểm, nếu không xử lý, người bệnh có thể tử vong

Viêm ruột hoại tử rất nguy hiểm, nếu không xử lý, người bệnh có thể tử vong

Cắt ruột để tránh nguy hiểm tính mạng

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương tiến hành phẫu thuật cắt 1 mét ruột hoại tử để cứu sống bệnh nhân 52 tuổi. Điều đáng nói, đây không phải bệnh nhân đầu tiên, bởi trước đó, cũng ở Bệnh viện này, một bệnh nhân cũng bị cắt gần 2 mét ruột với những biểu hiện, triệu chứng tương tự. 

Tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện đau bụng âm ỉ, đau quặn từng cơn, bụng chướng và không đi đại tiện 2 ngày. Sau đó, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện nôn và đau bụng tăng nhiều.

Qua các thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột.

Bác sĩ CKI Đặng Thanh Hải - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cho biết: “Phẫu thuật là phương án tối ưu nhất nhưng đối mặt với nguy cơ sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng, mất máu cao nhất, bệnh nhân có thể sẽ tử vong ngay trên bàn mổ bất cứ lúc nào nếu không được chuẩn bị kỹ cho cuộc phẫu thuật”.

Điều đáng nói, vấn đề viêm ruột không chỉ gặp riêng ở người lớn tuổi mà nó dễ gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ sơ sinh đẻ non. Có trường hợp, trẻ vài tháng tuổi đã mắc viêm ruột và phần lớn do sai lầm của cha mẹ như dùng thuốc, cách chăm sóc sai cách, cho ăn dặm quá nhiều, ăn dặm sớm… 

Vì bất cứ lí do nào, nếu ruột bị tắc, xoắn khiến máu không đến nuôi hoặc viêm nhiễm quá mức có thể dẫn đến hoại tử ruột

Vì bất cứ lí do nào, nếu ruột bị tắc, xoắn khiến máu không đến nuôi hoặc viêm nhiễm quá mức có thể dẫn đến hoại tử ruột

Bác sĩ Vũ Hồng Anh - Khoa Nội soi tiêu hoá, Bệnh viện E cho biết, viêm ruột, tắc ruột gây ra hoại tử thường có 4 nguyên nhân: do ruột bị vặn xoắn, do bị thoát vị - ruột chui qua phần hẹp, bị nhồi máu, viêm niêm mạc ruột… Tất cả đều do ruột không có máu nuôi dưỡng hoặc bị viêm nhiễm gây ra hoại tử. 

Nguyên nhân gây bệnh viêm ruột hoại tử là do độc tố toxin của Clostridium Welchi type C (CWC hay còn gọi là Welchi Perfringens). Loại độc tố này rất dễ bị hủy diệt bởi men trypsin có trong ruột người bình thường, nhờ đó chúng ta không bị bệnh. Nếu chế độ ăn thiếu protein, ăn các thức ăn có nhiều chất chống men trypsin, mắc bệnh giun đũa hoặc chế độ ăn đột nhiên có nhiều thịt thì độc tố toxin của vi khuẩn tiết ra không bị hủy bởi men trypsin của ruột, khi đó độc tố sẽ gây hoại tử ruột.

Các biểu hiện ban đầu cần chú ý

Đau bụng: đây là triệu chứng luôn luôn có ở 100% số bệnh nhân, là triệu chứng đầu tiên của bệnh, xuất hiện vào ngày thứ nhất nhưng nó biến mất chậm nhất. Lúc đầu người bệnh đau từng cơn, sau đó đau âm ỉ; đau gia tăng khi ăn hoặc uống; đây là triệu chứng đặc biệt của bệnh dùng để phân biệt với những trường hợp có đại tiện ra máu khác hoặc ở những thể nhẹ.

Cơn đau thường khu trú ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn, hoặc có khi không xác định được vị trí nhất định. Đau kéo dài khoảng 4 - 12 ngày, trung bình là 9 ngày. Trong trường hợp viêm ruột hoại tử có sốc, cơn đau dữ dội hơn và kéo dài hơn 9 ngày.

Sốt: cũng là triệu chứng thường có ở 100% số bệnh nhân, xuất hiện sau đau bụng và vào ngày đầu tiên của bệnh. Trong trường hợp có sốc, sốt thường cao trên 38,5°C. Nếu sốt cao vẫn tiếp tục hay xuất hiện sau tuần thứ hai, cần cảnh giác những biến chứng của viêm ruột hoại tử như tắc ruột, viêm phúc mạc...

Hình ảnh Xquang cho thấy bệnh nhân bị xoắn ruột

Hình ảnh Xquang cho thấy bệnh nhân bị xoắn ruột

Đi ngoài ra máu: đây là triệu chứng quan trọng nhất ở 100% bệnh nhân và là triệu chứng có giá trị trong quyết định chẩn đoán. Xuất hiện ngay ngày đầu hoặc thứ hai của bệnh. Phân thường có màu đỏ nâu, lỏng, mùi thối khắm rất đặc biệt. Lượng phân mỗi lần đi khoảng 50 - 200ml. Đại tiện dễ dàng, không mót rặn. Có trường hợp bệnh nhân không tự đại tiện được, phải ấn mạnh vào bụng hoặc thăm trực tràng hoặc đặt ống xông trực tràng phân mới chảy ra ngoài.

Một số trường hợp có táo bón sau một vài ngày đại tiện ra máu, thông thường kéo dài 2 - 3 ngày, có trường hợp đến 10 ngày. Nếu táo bón xuất hiện mà các triệu chứng khác khá hơn như hết sốt hoặc giảm sốt, bụng bớt trướng thì đó là diễn tiến tốt của bệnh. Ngược lại, nếu có táo bón mà sốt gia tăng, đau bụng tăng hay bụng chướng hoặc nôn xuất hiện thì cần nghĩ đến biến chứng của bệnh như tắc ruột, thủng ruột hay viêm phúc mạc. Có một số trường hợp tiêu chảy phân lỏng xuất hiện trước khi đại tiện ra máu

Nôn: triệu chứng này xuất hiện khá sớm, thường vào ngày thứ 1, thứ 2 của bệnh. Nôn thường chấm dứt vào ngày thứ 3 của bệnh, hiếm khi kéo dài quá 7 ngày. Nếu nôn tái xuất hiện vào tuần lễ thứ 2 thì thường là do biến chứng tắc ruột.

Trướng bụng: xuất hiện tương đối muộn so với các triệu chứng trên, thường vào ngày thứ 3 của bệnh. Nếu bụng trướng xuất hiện sớm là dấu hiệu của tiên lượng nặng.

Sốc: nếu có thường xảy ra vào ngày thứ 1, thứ 2 của bệnh; đi kèm với tình trạng sốc bệnh nhân có thể có nổi vân tím trên da. Tỷ lệ tử vong cao nếu có vân tím xuất hiện.

Hồng Ngọc/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO