Báo Điện tử Gia đình Mới

Cảm giác kiến bò dọc cẳng chân là dấu hiệu cảnh báo của bệnh nguy hiểm

Bạn có hiện tượng bị sưng, mỏi chân, nặng bắp chân, kiến bò dọc cẳng chân, chuột rút ban đêm, hay hội chứng chân không nghỉ (phải rung hoặc gác chân mới có cảm giác dễ chịu)? Theo chuyên gia tim mạch, đó lại là những dấu hiệu cảnh báo của một số bệnh nguy hiểm bạn có nguy cơ mắc phải...

Bác sĩ Trần Lê Vũ, phòng khám CarePlus cho biết hiện tượng bị sưng, mỏi chân, nặng bắp chân, kiến bò dọc cẳng chân là dấu hiệu cảnh báo của bệnh suy giãn tĩnh mạch

Bác sĩ Trần Lê Vũ, phòng khám CarePlus cho biết hiện tượng bị sưng, mỏi chân, nặng bắp chân, kiến bò dọc cẳng chân là dấu hiệu cảnh báo của bệnh suy giãn tĩnh mạch

Bác sĩ chuyên khoa tim mạch Trần Lê Vũ (Phòng khám CarePlus) cho hay, nếu cơ thể có các triệu chứng kể trên thì rất có thể bạn đang bị suy van tĩnh mạch chi dưới, một tiền đề cho biến chứng nặng và rất nguy hiểm là thuyên tắc phổi.

Và một điều nguy hiểm nữa được bác sĩ Vũ cảnh báo là khi đã được chẩn đoán bệnh thì khá nhiều bệnh nhân suy van tĩnh mạch chân lại không dám tập thể thao như đi bộ.Quan niệm này là hoàn toàn sai lầm. Thực ra, bạn chỉ không nên đứng yên một chỗ trong thời gian dài hoặc ngồi lâu, còn tập đi bộ đều đặn trong khoảng thời gian vừa phải lại là điều được khuyên nên làm.

Nói về bệnh suy van tĩnh mạch chi dưới, bác sĩ Vũ giải thích, máu được vận chuyển trong các mạch máu được gọi là động mạch và tĩnh mạch. Động mạch đem máu giàu oxy và dinh dưỡng ra khỏi tim. Tĩnh mạch vận chuyển máu ngược về tim sau khi tế bào đã nhận oxy và chất dinh dưỡng.

Giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch nằm gần bề mặt của da bị giãn, xoắn; và tình trạng này thường xảy ra ở chân. Các cơ ở chân giúp nâng đỡ tĩnh mạch và giúp đẩy máu ngược từ chân về tim. Các van nằm ở thành trong của tĩnh mạch có vai trò giúp máu chảy một chiều, ngăn không cho máu ứ lại làm tĩnh mạch chân bị giãn.

Với nhiều người, giãn tĩnh mạch chỉ là vấn đề về thẩm mỹ. Nhưng thực tế, giãn tĩnh mạch gây nên triệu chứng và các vấn đề khác nghiêm trọng hơn, ví dụ như hình thành nên cục máu đông, loét da và các biến chứng của rối loạn huyết động học (cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm).

Nguyên nhân gây nên giãn tĩnh mạch là do suy hoặc yếu của các van nằm trong lòng tĩnh mạch. Tình trạng này là không lây nhiễm cũng như không mang tính di truyền. Chứng giãn tĩnh mạch thường gặp ở người cao tuổi, phụ nữ, người thừa cân và những người phải đứng một chỗ trong thời gian dài. 

suy-gian-tinh-mach

Triệu chứng của giãn tĩnh mạch chi dưới bao gồm đau hoặc nặng chân, đặc biệt sau khi đứng hoặc ngồi lâu. Những triệu chứng khác bao gồm phồng và xanh các tĩnh mạch dọc theo đùi, hoặc đầu gối và cổ chân; phù; khô và ngứa da. Thay đổi màu sắc da, da mỏng, loét và nhiễm trùng mô mềm (viêm mô tế bào) có thể xảy ra gần cổ chân.

“Bác sĩ chúng tôi chẩn đoán tình trạng giãn tĩnh mạch dựa vào triệu chứng và các dấu hiệu khi khám chân. Nếu nghi ngờ có huyết khối, chúng tôi có thể đề nghị bạn làm siêu âm mạch máu để tìm cục máu đông.

Điều trị chứng giãn tĩnh mạch bao gồm hạn chế đứng lâu, mang tất tĩnh mạch (tất áp lực), liệu pháp xơ hóa và phẫu thuật.

Với các bệnh nhân không có triệu chứng và không có loét chân thì cần theo dõi định kỳ, tập thể thao như đi bộ đều đặn, giảm cân, kê cao chân khi ngủ và mang tất tĩnh mạch. Tất tĩnh mạch có thể cao đến đùi hoặc gối, thậm chí dài như quần chẽn hay quần nịt của nữ, điều tiên quyết là nó phải che phủ được đoạn tĩnh mạch bị giãn.

Trong liệu pháp xơ hóa, bác sĩ có thể tiêm các dung dịch hoặc bọt gây xơ vào các đoạn tĩnh mạch bị giãn mà gây nên triệu chứng. Liệu pháp này giúp làm xẹp và sau đó là xơ hóa tĩnh mạch.

Phẫu thuật được sử dụng khi các biện pháp điều trị khác không hiệu quả; hoặc khi có loét, phù chân, nứt da và có huyết khối; hoặc khi bệnh nhân muốn có giải pháp điều trị mang tính thẩm mỹ.

Loại phẫu thuật thường được dùng là cột và loại bỏ đoạn tĩnh mạch bị giãn. Một đoạn tĩnh mạch lớn sẽ được thắt lại và sau đó kéo ra khỏi chân. Trước đó, các tĩnh mạch nhỏ hơn là các nhánh của tĩnh mạch lớn sẽ được chích xơ.

Cắt đốt nội mạch bằng laser là phương pháp điều trị tương đối mới, trong đó tia laser sẽ tác động lên thành trong của tĩnh mạch để làm tĩnh mạch co quắt lại” – BS Trần Lê Vũ chia sẻ thêm.

Khi bị giãn tĩnh mạch thì bạn nên làm các điều sau: 

- Tập thể thao (kể cả đi bộ) đều đặn và giảm cân.

- Nâng cao chân khi ngủ.

- Không đứng yên một chỗ trong thời gian dài.

- Mang tất tĩnh mạch hàng ngày.

- Tham vấn bác sĩ của bạn nếu đoạn tĩnh mạch giãn trở nên đau, loét hay nứt da, hay thậm chí rỉ máu ở vùng có tĩnh mạch giãn.

- Đến khám bác sĩ ngay nếu bạn thấy có cục sưng đau, nóng gần nơi có tĩnh mạch giãn, bởi vì đó có thể là cục máu đông nguy hiểm gây huyết khối thuyên tắc. Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

Linh Nhi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính