Tôi thấy nhiều anh coi vợ là vô giá nhưng là... vô giá trị. Họ có thể quẳng vào mặt vợ những lời lẽ rất kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Nếu một người đàn ông trân trọng và hiểu giá trị của vợ hẳn sẽ không bao giờ làm vậy. Cái cỡ đánh vợ bất kỳ lúc nào cáu lên cũng là kiểu như vậy.
Hay kể cả việc bỏ mặc vợ, coi thường vợ, không thèm đếm xỉa đến vợ của nhiều ông chồng nữa. Nhưng tôi cũng không nghĩ đó là những bà vợ đáng thương.
Vì quả thật có nhiều người phụ nữ coi đó là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu của phận ăn bám chồng, làm thứ ký sinh vào chồng. Họ có vạn lời khuyên cũng vô ích vì bỏ chồng rồi ai nuôi?
Nhưng kể cả với những người chồng coi vợ là vô giá theo kiểu không tính được ra giá của vợ nữa. Là những người chồng “Vợ lúc nào cũng đúng- nhưng thây kệ vợ đi”.
Hay đồng sàng dị mộng. Những người lấy vợ về nhưng vẫn sống như đời độc thân. Không chia sẻ cùng vợ mình. Không quan tâm (lắm) đến chuyện của vợ. Vợ nhờ gì làm nấy, không ý kiến thì mình cũng không ý kiến.
Hôn nhân ấy có thể bền đấy nhưng nhạt hoét. Vợ vui hay vợ buồn chồng chả để ý. Lương mang về đưa vợ một phần lo nhà cửa cơm nước còn một phần giữ riêng lại cho những thú vui của mình. Đều đặn, tăm tắp, tất thảy đều theo lịch. Thậm chí nhiều ông còn ngoan ngoãn chăm chỉ nữa. Chỉ là hai vợ chồng như cơm nguội để tủ lạnh. Rời rạc.
Không! Thực ra đây không phải là một bài viết dành để phân loại chồng. Mà là để nhắc nhở những người vợ. Các chị có giá bao nhiêu trong mắt chồng, trong tim chồng, trong não bộ của chồng?
Xin hãy đo chúng mỗi ngày. Hãy đo sự quan tâm của chồng dành cho mình bằng việc trở nên có giá trị với chồng. Nó không phải là việc các anh ấy mua cho các chị đồ hiệu mà là các anh ấy phải coi các chị như đồ hiệu.
Nó không phải là việc các anh ấy cả ngày phải ve vẩy đuôi bên cạnh các chị mà là các chị có mặt ở mọi nơi anh ta nghĩ đến.
Nó càng không phải anh ấy nấu một bữa cơm cho các chị hay giặt giũ, rửa bát giùm các chị mà là sự cùng nhau để có một bữa ăn bên nhau.
Làm ơn, đừng bắt các anh ấy trở thành soái ca soái cốc như chồng nhà người ta. Chỉ là anh ấy là chồng của các chị một cách chuẩn chỉ. Để các chị là vợ đúng nghĩa của các anh. Là bạn đời chứ không chỉ là vợ chồng.
Mà để làm được điều đó, làm ơn, xin đừng trách chồng rằng tại sao anh không làm cái này, tại sao anh không làm cái kia.
Xin hãy cùng nhau gọt giũa cái tôi để có thể khít khìn khịt mà ghép lại vừa vặn nhau.
Xin hãy nhìn tới những năm tháng phía trước chúng ta cần đi tới chứ không phải những thứ đã xảy ra không thể sửa chữa lại. Từng chút, từng chút, mỗi ngày.
Xin hãy dành tặng nhau thời gian để có thể neo giữ nhau lại trong tâm tưởng của mình. Nếu đã chán ngắt cái gã chồng mình đang sở hữu thì cũng xin thử thêm đôi lần cơ hội. Là để cho chính mình một cơ hội trở thành người vợ hạnh phúc. Là để cho người chồng ấy cơ hội để có được một người vợ hạnh phúc.
Bởi tôi thật vẫn luôn tin rằng hạnh phúc của hôn nhân vốn bắt đầu từ việc người vợ cảm thấy hạnh phúc thế nào với cuộc hôn nhân của cô ấy, với người bạn đời của cô ấy. Chừng nào họ tự bỏ đi cơ hội hạnh phúc, đó là khi ông chồng đó tự nhiên mà trở nên tệ đi theo.
Không! Không phải tôi đổ vấy việc làm sao để có gia đình hạnh phúc cho chị em đâu. Mà chỉ là việc có thêm 1 phụ nữ hạnh phúc, cuộc sống này sẽ trở nên đẹp đẽ hơn rất nhiều.
Và nếu bạn là 1 phụ nữ hạnh phúc, cái anh chồng không biết trân trọng hay giữ lại bạn sẽ là kẻ bất hạnh. Và giá trị của bạn chính là hạnh phúc ngay trong chính bạn chứ không phải vì bạn lấy phải ông chồng không ra gì bạn mới trở nên bất hạnh. Tin tôi đi! Là thế!
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Vô giá và vô giá trị tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].