Thời của chúng tôi-chúng ta, cha mẹ chỉ quen việc Nuôi con khôn lớn hay Dạy con ăn học. Mà ít ai nghĩ đến việc Trưởng thành cùng con. Tất cả những gì chúng ta, các bậc cha mẹ vẫn hay làm chỉ là cân nặng của con, rèn giũa tính cách, con ngoan, con khoẻ. Tâm lý hơn thì cũng chỉ là trò chuyện cùng con. Mặc dù chúng ta ai cũng đã từng lớn lên với thật nhiều tâm sự!
Trưởng thành là một quá trình! Một quá trình không ít đau đớn! Không đau đớn sao được khi mà các em rời khỏi thế giới màu hồng để chạm mặt cùng những lừa dối đầu tiên, đụng đầu với những thứ vượt khỏi tầm nghĩ của các em. Thất vọng và đổ vỡ là những thứ sẽ phải xảy ra.
Có người vì những biến cố mà đổi cả đường đi, thay cả cách nghĩ. Có người mà nhiều năm rồi vẫn giữ trong sâu thẳm trái tim họ vết thương xảy đến trong quá trình trưởng thành đơn độc của họ!
Có rất nhiều đứa trẻ ngày ấy đã trưởng thành trong đơn độc! Người lớn vì chỉ chăm chăm với cân nặng của con, sức khoẻ của con, độ ngoan ngoãn của con nên quên mất việc cùng con vượt qua những đớn đau như loài sâu bướm lột xác để rực rỡ!
Tôi nghĩ nhiều đứa trẻ thành công sau này vốn đều nhờ cha mẹ chúng đã trưởng thành cùng chúng chứ không phải chỉ bắt học, bắt ăn, bắt ngủ đúng giờ!
Trưởng thành cùng con là sống với nhịp sinh học của con, nghĩ bằng đứa trẻ 13-15 tuổi chứ không phải bằng cách nhìn từ trên cao xuống và đưa ra những giải pháp khôn ngoan của kẻ đã từng trải! Điều đó chẳng giúp con trưởng thành bớt đau đớn. Thậm chí đôi khi còn làm con đau đớn hơn!
Mặc dù chúng ta ai cũng đã trải qua một tuổi mới lớn nhiều khó khăn trong cảm xúc. Nhưng rồi chúng ta lại quên khi quyền làm cha, quyền làm mẹ lấn át đi cả cảm giác của con mình! Để những đứa con lớn lên cùng một mẫu câu cảm thán giống nhau: Tại sao bố mẹ không chịu hiểu mình?
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Đừng dạy con trưởng thành mà hãy trưởng thành cùng con tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].