Hôm nay cho vợ mượn xe, nên chiều đi làm về gọi grab. Lái xe là một chị đứng tuổi, thấp, yếu.
Tôi ngồi sau thấy chị lái không vững nên bảo chị “hay để em lái cho, em thanh niên to béo ngồi sau chị cũng ngại”. Chị không đồng ý.
Tôi ngoan ngoãn ngồi sau, thi thoảng chị đi chậm, hoặc chờ đèn đỏ, tôi lại phải chống chân cùng. Trời nắng nóng. Đường tắc. Chị bị hôi nách. Tôi cũng ướt đẫm mồ hôi...
Về cứ thương chị lái xe grab. Thấy tội nghiệp. Chắc chị phải cố gắng và vượt qua nhiều trở ngại, thì mới cầm tay lái.
Và tôi lại nghĩ đến mẹ tôi thời xưa, có ngày gánh bộ vài chục km, để bán rau, mua cá. Động lực của lao động vất vả này là gì? Là cả gia đình ở phía sau và tương lai ở phía trước.
Hôm trước trời mưa, đứng trên ban công ngắm đường phố, thấy 2 chị lao công ướt sũng, vẫn miệt mài đẩy xe rác, một chị cúi xuống quét đống rác chưa kịp hốt lên.
Lúc đầu tự hỏi: Sao trời mưa mà 2 bà này vẫn lao lực thế nhỉ. Nhưng rồi lại trả lời được ngay: 2 chị cũng cần về sớm với gia đình, nếu để rác lại thì đống rác ấy vẫn là của các chị.
Nhưng ngoài động lực nêu trên, điều khiến các chị vẫn quyết tâm làm công việc của mình trong những điều kiện khắc nghiệt như trời mưa tuôn hay nắng gắt, là các chị còn muốn gắn bó với cái nghề ấy, cái nghề mà các chị thấy ngoài năng lượng mưu sinh còn có năng lượng gắn bó, vì nó phù hợp.
Thế còn khi đã thấy chán nản công việc, chán nản cái nghề đang gắn bó, thì hẳn là các chị sẽ không lao động lúc trời quá nóng như lái xe grab Hà Nội lúc 16 giờ chiều nay hay cúi người xúc xẻng rác khi trời mưa tầm tã.
Donald Trump cũng khuyên là: “Khi bạn thấy không còn động lực với công việc bạn đang làm thì tốt nhất là bạn nên tìm cho mình một công việc mới. Công việc mới với động lực mới sẽ giúp bạn khám phá ra giới hạn và khả năng của bản thân mình.
"Nhiều người thường ngại buông bỏ cônh việc cũ, thậm chí là không tin rằng mình có thể làm công việc mới, đây chính là nguyên nhân đầu tiên của thất bại”.
Lê Kiên
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Động lực tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].