Ngày còn trẻ trâu, tôi cũng sân si lắm. Thấy kẻ mình ghét gặp chuyện, lòng hả hê lắm lắm. Nhưng năm tháng trôi qua, trải qua nhiều biến cố cuộc đời, lúc mình gặp hoạ, hẳn sẽ có nhiều người đâu đó cũng hả hê lắm lắm vậy.
Cuộc đời là vậy, chẳng ai nắm tay được cả ngày.
Hôm qua cười người hôm nay người cười. Hôm qua mình ném vào ai đó những cười cợt, chế giễu thì ngày mai đâu đó cũng sẽ có người cười cợt, chế giễu lại mình thôi, nhanh lắm.
Hôm qua, mình nói xấu ai đó, hôm nay, sẽ lại có kẻ nói xấu mình. Chúng ta cứ nguỵ biện rằng thứ chúng ta cười cợt, chế giễu là đúng, thứ kẻ khác cười cợt chế giễu ta là sai. Hay việc mình nói xấu, hạ bệ một ai đó là vì họ xấu thật. Nhưng sao khi ta bị nói xấu, ta lại coi đó là kẻ xấu?
Trước, tôi đi ăn nhà hàng. Có nhiều lúc là do thời tiết ảnh hưởng cảm xúc, nhân viên lóng ngóng tí, đồ ăn bị vụng tí, là lại chăm chăm lôi điện thoại ra chụp hình đăng phây tố chủ nhà hàng, cho sao xấu.
Nhưng khi làm chủ rồi mới thấy đau ở tim. Nghĩ về những chủ nhà hàng mình đã chê ẩu dạo trước mà thấy nó như một quả báo. Hồi đó, tôi trở lại Facebook của mình lặng lẽ xoá đi những đánh giá xấu. Thậm chí cho họ 5*. Mà cho đến giờ vẫn chưa ngoai nguôi lại nỗi ân hận hồi trẻ trâu đó.
Chúng ta luôn cho rằng mình có quyền đánh giá, phán xét người khác. Vì họ sai. Vì họ trông như dở hơi ấy. Vì họ tệ. Vì họ… không giống ta.
Vậy sao lại không cho người khác đánh giá, phán xét mình? Vậy sao lại tức giận khi họ dùng chính những lời lẽ của ta để ném lại vào ta?
Tôi không biết mọi người khi buông ra những lời khẩu nghiệp có khi nào tự đặt mình vào vị trí của người bị nói đó không? Tôi ngờ là không!
Thậm chí có nhiều người còn nghĩ mãi, nghĩ mãi để ra được những câu đau nhất, kinh khủng nhất, có sức sát thương khủng khiếp nhất vào đối tượng họ căm ghét thì thời gian đâu mà tự đặt địa vị mình vào họ nữa kia chứ?
Tôi tin vào nghiệp báo. Không phải chỉ là mình khẩu nghiệp với ai thì mình sẽ bị trả nghiệp mai này cũng bằng khẩu nghiệp. Tôi nghĩ nó còn khủng khiếp hơn nhiều.
Có đôi khi nó chỉ là đứa con của bạn bị bạn bè trong lớp tẩy chay không chơi. Vì "mẹ của cái X lên mạng chửi bới kinh lắm” hay một mối thân tình trong thành phố bé bằng bàn tay này, ai đó vì đã từng bị bạn giễu cợt, châm chọc mà chồng họ lại là sếp của chồng bạn. Cơ hội thăng tiến của chồng bạn vì thế mất đi.
Nó cứ như cái đập cánh trong một hiệu ứng cánh bướm vậy. Một lời khẩu nghiệp tưởng mồm nói tai nghe thôi mà thành tan hoang cả một cơ nghiệp mai này. Bởi cái ác độc, cái xấu xí luôn thích trừng phạt người khác một cách tàn nhẫn chứ không giống như điều thiện, sự tốt lành- lây lan và lan toả.
Lưỡi sắc lắm! Một lời nói ra nhằm sát thương ai đó cũng sẽ làm rướm máu miệng mình. Kiểu ném bùn bẩn vào người khác thì tay bạn lấm bẩn vậy.
Thứ chúng ta nói ra, ném ra, bung ra mỗi ngày sẽ thành những nét vẽ lên con người của bạn. Chân dung đó lấm lem hay đẹp đẽ vốn bắt đầu từ những gì bạn đang nói ra hôm nay.
Tôi không tin vào cái gọi là Khẩu Xà Tâm Phật. Chỉ có những kẻ Khẩu Phật Tâm Xà chứ làm gì có những kẻ Khẩu Xà Tâm Phật.
Cuối cùng, tôi chẳng mong gì hơn vào việc mọi người có thể dừng lại một chút mỗi khi định nói ra câu nói ác độc nào. Chậm lại một chút trước khi định làm tổn thương ai đó bằng câu nói. Giảm đi những tội nghiệt từ lưỡi mà ra… Lưỡi sắc lắm, coi chừng tự làm mình rướm máu.
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Đổi vai để nhìn lại mình tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].