Tôi đồng ý rằng chúng ta đang có một thế hệ cha mẹ thương con vô đối. Cứ đến các cổng trường sẽ thấy dù nắng dù mưa, cha mẹ nào cũng cúc cung tận tuỵ đưa đón con. Cứ ra hiệu sách là sẽ thấy lượng sách dạy con chiếm bao nhiêu diện tích nhà sách. Cứ nhìn ngoài thị trường giáo dục hay tiêu dùng, thực phẩm ngoài kia sẽ thấy bao nhiêu thứ kinh doanh thành công dựa trên mối quan tâm đến con cái của người Việt.
Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều được chăm bẵm đến tận răng. Chỉ là lũ trẻ bây giờ liệu có hạnh phúc không? Là nó có cảm thấy hạnh phúc hơn không chứ không phải ta có đang khiến chúng hạnh phúc hơn không nhé! Vì thứ gì chúng ta làm chả đều mang ý nghĩ mong cho con hạnh phúc.
Nhưng dường như việc thương con với việc làm thế nào để đứa trẻ nên người là hai việc hoàn toàn độc lập. Việc ta là ta thương con, đứa trẻ nên người là việc của thầy cô, xã hội. Bởi nếu nó là một thì hẳn nhiều cha mẹ, người lớn sẽ cân nhắc mỗi hành động mình làm trước mặt con và kể cả khi không có mặt con.
Bởi nếu cha mẹ đánh đồng việc thương con với dạy dỗ con, mang đến cảm giác hạnh phúc cho con là một thì cha mẹ hẳn đã không ép con học đến mức nó tự tử, đầu độc con bằng sự xấu xí của mình hay bạo hành con nhân danh thương con kiểu: Yêu cho roi cho vọt.
Chúng ta đổ lỗi cho các giáo viên đang hàng ngày dùng đòn roi, hình phạt bạo lực trong việc giáo dục bọn trẻ khiến bọn trẻ uất ức mà bùng nổ trở lại với chính bạn bè mình. Chúng ta đổ lỗi cho giáo dục nước nhà chuộng thành tích, chuộng điểm số, chuộng kiến thức sách vở mà không dạy hoặc dạy hình thức những kỹ năng sống, đạo đức, pháp luật. Rồi chúng ta đổ lỗi cho game bạo lực tràn lan khiến lũ trẻ bị ảo theo game. Chúng ta lại đổ lỗi cho truyền hình, sách báo cũng đang ngập tràn bạo lực dưới cái mác: Chính nghĩa diệt ác.
Nhưng chúng ta lại cố tình quên đi rằng mình cũng là một nguồn cơn khiến trẻ trở nên bạo lực. Bằng đòn roi của ta ở nhà. Bằng cái cách ta bình luận trước mặt trẻ về việc “đánh bỏ mẹ thằng ấy đi. Láo lếu”. Bằng cái cách ta thể hiện sự đồng tình nếu con kể “hôm nay bị bạn giật đồ ăn con đấm cho một phát vào mũi nó”. Bằng cách “tự hào” vì con mình không dễ bị bắt nạt khi nó khoẻ hơn bạn, có thể đấm lại bất cứ đứa nào bắt nạt nó.
Và thường thấy nhiều hơn cả là trên đường, những vụ va quệt xe khi các ông bố sẵn sàng lao vào đấm kẻ kia vì “suýt làm con ông ngã”. Chúng ta luôn tạo ra những cái cớ hoàn hảo để cho rằng bạo lực là cách duy nhất- tốt nhất để giải quyết vấn đề.
Tôi thấy nhiều đứa trẻ đang bị đầu độc như thế, mỗi ngày, mọi ngày, mọi nơi, mọi việc. Đầu độc việc “bạo lực là đúng” chưa đủ, nhiều cha mẹ còn đầu độc con rằng “tiền là tiên là phật”. Bằng việc “mày học giỏi nhờ bố đấm tiền cho cô giáo mày”. Bằng việc đi sai luật, công an bắt, nhét tiền vào túi công an. Bằng việc giải quyết mọi thứ nhờ có tiền. Còn nhiều nữa những thứ cha mẹ vẫn đầu độc con cái mình mỗi ngày.
Và khi con hư, con hỏng thì chúng ta lại đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho xã hội, cho cơ chế, cho trăm thứ bà dằn khác. Chỉ có ta là không bao giờ sai. Mọi thứ ta làm đều đúng. Nếu sai thì đó là do hoàn cảnh ép buộc.
Có lẽ đã đến lúc cha mẹ cũng cần phải học một khoá học làm gương cho con! Hoặc trước khi quyết định sinh con, cha mẹ nào cũng cần phải được học về việc nên và không nên làm gì trước mặt con trẻ.
Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Chúng ta có bao giờ nhìn lại mình khi thấy con hư? tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].