Cách tự đo đường huyết tại nhà chính xác nhất, 3 sai lầm thường gặp dẫn đến kết quả sai

Đối với những người bị đái tháo đường, đo đường huyết tại nhà là việc làm cần thiết để theo dõi, điều trị và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là cách đo đường huyết tại nhà chính xác nhất.

Đo đường huyết tại nhà là việc làm cần thiết để người bị đái tháo đường theo dõi, điều trị và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Đo đường huyết tại nhà là việc làm cần thiết để người bị đái tháo đường theo dõi, điều trị và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Đường huyết là gì?

Đường huyết hay glucose huyết là chất đường trong máu mà cơ thể sử dụng như nguồn năng lượng. Glucose máu có vai trò rất quan trọng, cung cấp năng lượng cho các tế bào toàn bộ cơ thể, đặc biệt hoạt động của não bộ.

Trong trường hợp bình thường, nồng độ glucose máu (đo trong huyết tương) được điều hòa rất chặt chẽ với đường huyết đói từ 4.0 - 5.4 mmol/L (72 - 99 mg/dL) và đường huyết sau ăn 2 giờ không quá 7.8 mmol/L (140 mg/dL).

Chỉ số đường huyết thay đổi liên tục trong ngày. Vì vậy, người bị đái tháo đường cần phải theo dõi chỉ số đường huyết một cách thường xuyên và đều đặn.

Căn cứ vào kết quả đo đường huyết, người bị đái tháo đường có thể xem xét làm cơ sở để điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện hàng ngày để không để đường huyết quá cao hoặc quá thấp. Bởi khi chỉ số đường huyết tăng hay giảm đột ngột có thể làm tăng nguy cơ suy các cơ quan, hôn mê, tổn thương não thậm chí là tử vong cho người bệnh.

Đặc biệt, ở những người bị tăng đường huyết mãn tính mà không phát hiện kịp thời để điều trị có thể gây những tổn thương đến các cơ quan như mắt, tim, thận, mạch máu và dây thần kinh.

Cách đo đường huyết tại nhà chính xác nhất

Theo các chuyên gia nội tiết, không có khái niệm thời điểm tốt nhất để đo đường huyết mà quan trọng là đo lúc trước ăn, sau ăn 2 giờ hay bất kỳ.

Dựa trên kết quả và thời điểm đo, các bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến cáo phù hợp cho tình trạng sức khỏe của người bệnh. Cách đo đường huyết tại nhà sẽ được thực hiện như sau:

- Rửa sạch tay với nước và xà phòng rồi lau cho thật khô bằng khăn sạch. Sau đó lau đầu ngón tay với cồn. Cần giữ tay luôn khô ráo trước khi chích máu.

- Ðặt mũi kim vào cán giữ kim.

- Lấy que thử khỏi hộp và đậy hộp lại ngay, để tránh que khỏi bị ẩm ướt vì hút hơi nước trong không khí. Không nên dùng que thử từ chai đã nứt vỡ, quá hạn sử dụng.

- Bắt đầu chích máu. Khi chích máu nên chích ngay phía cạnh ngón tay, không nên chích đầu ngón tay vì sẽ lấy được rất ít máu và sẽ cảm thấy đau hơn.

- Nhỏ giọt máu lên điểm chính của que thử. Một vài loại máy cho phép đặt que vào máy trước khi nhỏ giọt máu.

- Đè miếng bông gòn sạch lên tay chỗ vừa chích để cầm máu. Đưa que thử vào máy, chờ một lát để đọc và ghi kết quả cũng như giờ thử máu để biết rõ lượng đường huyết trong ngày.

- Ghi sổ nhật ký theo dõi đường huyết.

3 sai lầm thường gặp khi đo đường huyết khiến kết quả không đúng

- Không rửa tay khi đo đường huyết: Nếu để tay bẩn đo đường huyết thì kết quả kiểm tra không chính xác, thậm chí bị thay đổi do sai số. Do đó, trước khi đo đường huyết, người bị đái tháo đường cần rửa sạch tay bằng xà phòng và lau tay thật khô bằng khăn sạch. Sau đó, người bệnh sát khuẩn vị trí đầu ngón tay bằng cồn, để khô tự nhiên trước khi chích máu đo đường huyết.

- Sử dụng que không đúng cách: Kết quả đo đường huyết không chính xác có thể do người bệnh sử dụng que thử bị hư hỏng hoặc do que thử được bảo quản trong môi trường không phù hợp, bị rách hoặc đặt que vào máy không đúng vị trí. Để tránh sai lầm này, trước khi sử dụng, người bệnh cần đọc kỹ cách sử dụng que thử đường huyết trên giấy hướng dẫn. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên dùng que hay máy của người khác để tránh nhiễm trùng và lây nhiễm các bệnh lây qua đường máu.

- Lượng máu cho vào que thử không đủ: Một số người bệnh thường không cho đủ lượng máu cần xét nghiệm vào que thử, dẫn đến kết quả đo đường huyết không chính xác. Hoặc để da chạm vào vùng thấm máu cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Do đó, để có kết quả chính xác, khi bắt đầu đo đường huyết tại nhà, người bệnh vuốt nhẹ từ gốc đến đầu ngón tay; đặt kim chích ở mép ngoài cạnh đầu ngón tay và bấm chích máu. Sau đó vuốt và nặn nhẹ sao cho lấy đủ lượng máu xét nghiệm.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính