Bệnh đái tháo đường là gì?
Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa do tăng glucose trong thời gian dài, dẫn đến rối loạn chuyển hóa carbohydrat, protid, lipid, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau.
Tuyến ụy sản sinh ra hormone insulin, giúp các tế bào hấp thụ đường huyết trong máu (còn gọi là glucose máu) và chuyển hóa thành năng lượng để phục vụ hàng ngày cho cơ thể.
Khi cơ thể không còn tiết đủ hormone insulin hoặc cơ thể có tiết ra nhưng các tế bào không chịu sử dụng insulin nữa thì lượng glucose trong máu không được cơ thể hấp thụ, sẽ dần tích tụ trong máu, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác.
Bệnh đái tháo đường gây ra biến chứng nguy hiểm nào?
Đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ở nhiều cơ quan gồm:
- Các biến chứng nặng nề cho tim mạch và thần kinh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tắc mạch chi;
- Các biến chứng trên mắt như bệnh võng mạc tiểu đường, phù hoàng điểm có thể gây mù lòa;
- Biến chứng ở thận như suy giảm chức năng thận;
- Rối loạn chức năng miễn dịch thường dễ bị nhiễm khuẩn và nhiễm nấm.
Người bệnh đái tháo đường cần làm gì để tránh biến chứng?
Đối với người bệnh đái tháo đường, chế độ dinh dưỡng, tập luyện và tuân thủ dùng thuốc là kiềng 3 chân trong điều trị bệnh, góp phần can thiệp vào các yếu tố nguy cơ nhằm hạn chế các biến chứng của căn bệnh này. Trong đó dinh dưỡng là điều trị đầu tiên, điều trị cơ bản và điều trị suốt đời.
Vậy nên, để ổn định đường huyết, tránh biến chứng và có chất lượng cuộc sống tốt nhất, bác sĩ Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ hàng ngày một số nguyên tắc sau:
1. Không phải kiêng tuyệt đối bất cứ thực phẩm gì, kể cả đường, nhưng số lượng ăn bao nhiêu cần được hướng dẫn bởi các nhân viên y tế chuyên ngành.
2. Nên ăn đủ, đều 3 bữa/ngày; khi đường huyết không kiểm soát sẽ được chỉ định thêm các bữa phụ bởi nhân viên y tế chuyên ngành.
3. Cung cấp đủ năng lượng, có thể giảm cân, nếu có thừa cân-béo phì. Cân đối và đầy đủ các chất sinh năng lượng (chất đạm, chất béo, đặc biệt đủ chất bột đường để tránh hạ đường huyết do kiêng khem quá) và các chất không sinh năng lượng (vitamin, chất khoáng, chất xơ, nước…).
- Tỷ lệ cho 3 chất sinh năng lượng đảm bảo: chất bột đường chiếm 50-65%; chất đạm chiếm 15-20%; chất béo chiếm 20-25% tổng năng lượng trong ngày.
- Nên ăn đủ chất xơ mỗi ngày để giúp ổn định đường huyết, cải thiện nguy cơ tim mạch, kiểm soát cơn đói,… Chất xơ nên cung cấp bảo đảm 14g/1,000Kcal.
4. Sử dụng đủ lượng trái cây và hạt có dầu (lạc, vừng, mè, hướng dương, bí…) theo khuyến nghị.
5. Nên ăn nhạt (
6. Sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương, phù hợp với tập quán, vùng miền, điều kiện kinh tế… của từng người bệnh cụ thể.
7. Uống đủ nước lọc và hoạt động thể lực theo đúng như khuyến cáo. Hạn chế rượu, bia, cũng như các chất kích thích khác…
8. Đi tư vấn dinh dưỡng định kỳ theo hẹn của nhân viên y tế để được giáo dục và tư vấn cụ thể với tình trạng của từng người bệnh.
An AnBạn đang xem bài viết 8 điều người bệnh đái tháo đường cần nhớ để tránh biến chứng nguy hiểm, nhất là đột quỵ tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].