Đau bụng, nôn mửa sau khi uống thuốc chữa đái tháo đường từ người quen giới thiệu
Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai có tiếp nhận một bệnh nhân nam 63 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội, vào viện trong tình trạng đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng.
Người nhà của bệnh nhân cho biết, bệnh nhân có tiền sử bị đái tháo đường. Sau khi nghe lời quảng cáo từ người quen là có một loại thuốc nam dạng viện, bán 20 gói với giá 10 triệu đồng, có tác dụng chữa đái tháo đường rất tốt và người nhà của họ đã sử dụng.
Nghe theo lời quảng cáo có cánh, người đàn ông 63 tuổi này đã mua thuốc về và sử dụng thuốc được gần 20 ngày. Tuy nhiên, bệnh tình không giảm mà người bệnh còn xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn mửa, nên được người nhà đưa đến BV Bạch Mai.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Sau khi làm các xét nghiệm, các bác sĩ đã tiến hành điều trị hồi sức tích cực và lọc máu cấp cứu. Hiện tại, tình hình bệnh nhân đã cải thiện tốt hơn rất nhiều.
Điều đáng lưu ý là, kết quả xét nghiệm viên thuốc y học cổ truyền bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin.
Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.
Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trộn loại chất bị cấm này vào trong các thuốc chữa đái tháo đường dởm, mạo danh các thuốc y học cổ truyền, thuốc nam, thực phẩm chức năng để bán ra thị trường gây ra ngộ độc.
Cần làm gì để tránh mua phải thuốc dởm?
Ở Việt Nam những năm gần đây đã gặp nhiều trường hợp ngộ độc nặng và tử vong. Các trường hợp ngộ độc thuốc chữa đái tháo đường phenformin thường xảy ra ở người đang sử dụng thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hoặc các sản phẩm khác quảng cáo chữa chữa đái tháo đường.
Bệnh nhân bị ngộ độc xuất hiện các biểu hiện nhiễm toan chuyển hóa, nồng độ lactat trong máu cao, tụt huyết áp, rất dễ nhầm hoặc lẫn lộn với sốc nhiễm khuẩn, suy gan, nên dễ bị bỏ sót. Kể cả khi điều trị tích cực tỷ lệ tử vong cũng rất cao.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, để tránh mua phải thuốc dởm dẫn đến ngộ độc, người dân khi bị bệnh cần đi khám bệnh ở các cơ sở y tế để được xác định bệnh và kê đơn thuốc phù hợp, an toàn.
Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính dễ gây tâm lý nản với một số bệnh nhân, tuy nhiên bệnh có nhiều hậu quả và biến chứng nên cần điều trị và theo dõi chặt chẽ lâu dài về y học hiện đại kết hợp với tuân thủ về chế độ ăn uống, vận động và dùng thuốc.
Người dân cần cảnh giác và tránh xa trước các lời quảng cáo, chào mời từ các loại sản phẩm thuốc y học cổ truyền, các thực phẩm chức năng hay các thuốc không đảm bảo về nguồn gốc (không có các thông tin đầy đủ rõ ràng về giấy phép được cấp bởi Bộ Y tế).
Khi nghi ngờ bị ngộ độc hoặc phản ứng bất lợi do một loại sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, cần giữ lại tất cả các mẫu vật còn lại cùng các thông tin liên quan để có thể chuyển cho các cơ quan chức năng hoặc bệnh viện tuyến cuối kiểm tra, xét nghiệm để xác minh và có các biện pháp ngăn chặn ngộ độc tiếp tục xảy ra với người khác.
An AnBạn đang xem bài viết Mua thuốc chữa đái tháo đường vì tin quảng cáo, người đàn ông bị ngộ độc chất cấm trộn trong thuốc tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].