Điểm ưu tiên là gì?
Điểm ưu tiên là mức điểm được Nhà nước ưu ái dành cho các học sinh, đặc biệt là những học sinh thuộc những trường hợp đặc biệt hoặc một số khu vực được quy định.
Cụ thể hơn, điểm ưu tiên là số điểm được cộng thêm vào số điểm thi thực tế mà thí sinh đã đạt được trong kỳ thi của mình. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng được cộng điểm ưu tiên mà chỉ những trường hợp được thuộc diện quy định của pháp luật.
Với điểm ưu tiên, thí sinh sẽ có cơ hội cao hơn trong các kỳ thi như: kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, xét tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước.
Cách tính điểm ưu tiên 2023
Năm 2023 là năm đầu tiên áp dụng cách tính điểm ưu tiên mới trong kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển Đại học, Cao đẳng.
Theo Báo Chính Phủ, cách tính điểm ưu tiên 2023 cụ thể như sau:
Đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30), điểm ưu tiên sẽ giảm dần theo công thức:
Điểm ưu tiên = [(30 - tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường.
Nghĩa là điểm ưu tiên giảm dần đối với thí sinh có tổng điểm từ 22,5 đến 30 điểm/3 môn.
Ví dụ, một thí sinh thuộc khu vực 1 với tổng điểm thi đạt 22,5 điểm sẽ được cộng thêm 0,75 điểm ưu tiên khu vực. Tuy nhiên, nếu học sinh đó đạt tổng 27 điểm, điểm ưu tiên chỉ còn 0,3 điểm; nếu đạt 29 điểm, điểm ưu tiên khu vực chỉ còn 0,1 điểm.
Sự thay đổi này đã được Bộ GD&ĐT thực hiện sau khi thống kê điểm thi tốt nghiệp THPT của vài năm trước. Kết quả cho thấy nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên (chiếm 25% tổng số thí sinh tốt nghiệp) thường có điểm tổng 3 môn cao hơn so với nhóm thí sinh được cộng điểm ưu tiên ở các mức độ khác nhau.
Sau khi cộng điểm ưu tiên theo quy định trước đây, tỉ lệ thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 22,5 điểm của nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm thí sinh không được cộng điểm ưu tiên. Điều này chứng tỏ việc cộng điểm ưu tiên đã tạo sự công bằng, gia tăng cơ hội tiếp cận giáo dục đại học cho những nhóm thí sinh có điều kiện khó khăn hơn.
Theo Bộ GD&ĐT, từ năm 2023, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và 1 năm kế tiếp. Như vậy, nếu thí sinh tham gia xét tuyển đại học từ năm thứ 3 trở đi sau khi tốt nghiệp THPT thì sẽ không được cộng điểm ưu tiên khu vực.
Điều chỉnh này không chỉ ảnh hưởng đối với thí sinh sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT mà còn đối với tất cả các phương thức xét tuyển khác. Các trường khi tính điểm ưu tiên cần chuyển đổi điểm ra thang điểm tương đương để xác định mức điểm ưu tiên hợp lý.
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết Cách tính điểm ưu tiên 2023, điểm ưu tiên được tính như thế nào? tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].