Phương án 2+2 hướng tới học thật, thi thật
Chiều nay 29/11, Bộ GD&ĐT công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, phương án thi 2+2 được lựa chọn. Cụ thể, về các môn thi, thí sinh chỉ thi 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, trong 3 phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được lấy ý kiến (phương án 2+2, 3+3, 4+4), phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế, không có phương án nào đạt tỉ lệ tuyệt đối 100%.
Phương án được đưa ra có sự đồng thuận cao nhất, thoả mãn nhiều yếu tố, được các cấp, cách ngành thẩm định, do Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực và có ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ.
"Phương án 2+2 hướng tới lợi ích học sinh, vì giáo viên, vì nhà trường. Tạo ra rất nhiều tổ hợp, học sinh nào nhận thấy mình có thế mạnh, ưu điểm vượt trội ở bộ môn, tổ hợp các em có thể rộng đường lựa chọn. Môn nào cũng được tổ chức dạy học và thi chỉ khác nhau giữa lựa chọn hay bắt buộc và có đánh giá hay không. Chúng ta hướng tới nền giáo dục thực học thực tiễn, không phải học để đối phó và học chỉ để thi" - Thứ trưởng đánh giá.
Không làm giảm vai trò môn Ngoại ngữ dù không thi bắt buộc
Trước một số ý kiến băn khoăn, việc Ngoại ngữ không phải là môn thi tốt nghiệp THPT có làm giảm chất lượng dạy và học môn này, đi ngược lại với xu hướng trên thế giới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: "Không thi bắt buộc môn Ngoại ngữ không làm giảm vai trò của môn học này".
Theo Bộ GD&ĐT, môn Ngoại ngữ trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chú trọng, cụ thể, ngay từ lớp 3 đã được học, đến bậc THCS và THPT đều là môn học bắt buộc và được kiểm tra, đánh giá. Ngoại ngữ được Bộ GD&ĐT rất quan tâm và lồng ghép vào tất cả các chuẩn đầu ra của học sinh và sinh viên. Như vậy, trong quá trình từ năm lớp 3 đến lớp 12, các em đều được học, lựa chọn môn Ngoại ngữ mà mình định hướng.
Như vậy, dù không thi bắt buộc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến hết các bậc học CĐ, ĐH. Kết quả học tập môn ngoại ngữ ở các bậc học này có ý nghĩa quan trọng ngay trong quá trình học tập mà không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Sẽ có đề riêng cho thí sinh trượt tốt nghiệp năm 2024
Năm 2025, thí sinh thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới, vậy nếu các học sinh đang học chương trình giáo dục phổ thông cũ (tức là lứa học sinh thi năm 2024) nhưng không may trượt tốt nghiệp, vậy năm 2025 các em sẽ thi theo đề nào?
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, nguyên lý cơ bản, học sinh học theo chương trình giáo dục nào, sẽ thi chương trình đó. Do vậy, đối với những học sinh không may trượt tốt nghiệp năm 2024, Bộ GD&ĐT sẽ tính toán tổ chức thi để đảm bảo nội dung thi và phương thức thi theo chương trình các em đã học. Những thí sinh này không phải lo học theo chương trình cũ nhưng phải thi theo chương trình mới.
Nói thêm về quyền lợi với các thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2024 và dự thi tốt nghiệp vào năm 2025, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết thêm: “Quy chế tuyển sinh đại học đã được giữ ổn định trong 2 năm qua. Dù thi như thế nào các trường vẫn phải đảm bảo nguyên tắc xét tuyển công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Như vậy, các em dù thi kỳ thi như thế nào vẫn được xét tuyển một cách công bằng”.
Thí sinh không được thi quá 2 môn tự chọn
Theo GS Nguyễn Hồng Hà, nguyên tắc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện tại không cho phép thí sinh thi hơn 2 môn lựa chọn. Phương án thi từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn đã tạo ra 36 tổ hợp môn. Nếu thí sinh muốn đăng ký nhiều hơn 2 môn lựa chọn, tỉ lệ này cũng không cao trong khi điều này sẽ gây tốn kém, lãng phí không cần thiết.
Về xét tuyển ĐH, GS Hà cũng nhìn nhận, mỗi thí sinh cùng lúc sử dụng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào cùng một ngành có thể sẽ gây mất công bằng. "Do đó, trước mắt, thí sinh chỉ được thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Đây cũng là phương án có lợi cho số đông, tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí và áp lực.
Sớm công bố đề thi minh họa tốt nghiệp THPT 2025
Liên quan đến thời gian công bố định dạng và cấu trúc đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ông Hà cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ công bố vào quý 4.
Định dạng và cấu trúc của đề thi sẽ đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực. Bên cạnh đó còn có tính kế thừa vì dự thi năm 2025 là lứa học sinh đầu tiên tốt nghiệp và các em chỉ có ba năm học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngay sau khi thử nghiệm định dạng và cấu trúc đề thi, sẽ công bố đề minh họa định dạng và cấu trúc mô phỏng theo định dạng cấu trúc của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Ông Hà cho biết thêm, Bộ đang nghiên cứu cấu trúc, định dạng, ngân hàng đề thi, tích cực tổ chức hội thảo, mời chuyên gia góp ý.
Quan điểm chung là đề thi phải đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực, phù hợp với lứa học sinh đầu tiên, mới có 3 năm học theo chương trình mới.
V.LinhBạn đang xem bài viết Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Không thi bắt buộc môn Ngoại ngữ không làm giảm vai trò của môn học này tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].