Bị bệnh xương khớp ngồi điều hòa lạnh nguy hiểm tới sức khỏe như thế nào?

Cứ tưởng mùa đông lạnh mới làm bệnh xương khớp tái phát, nhưng không phải, mùa hè cũng khiến bệnh trở nên tồi tệ hơn, nhất là khi thường xuyên ngồi điều hòa mát lạnh.

Tay chân đau nhức vì thường xuyên ngồi phòng máy lạnh

Dù mới 35 tuổi nhưng chị Phan Lê (ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã bị bệnh xương khớp, căn bệnh thường mắc ở người cao tuổi.

Hai đầu gối của chị luôn bị nhức nhối, khó vận động khi phải làm việc nặng, lên xuống cầu thang nhiều. Đặc biệt khi thời tiết thay đổi, nhiệt độ lên xuống bất thường là tình trạng đau nhức xương khớp của chị Lê lại càng trở nên khó chịu hơn.

  Người mắc bệnh xương khớp thường bị đau nhức nhiều hơn khi ngồi điều hòa lạnh. Ảnh minh họa

Người mắc bệnh xương khớp thường bị đau nhức nhiều hơn khi ngồi điều hòa lạnh. Ảnh minh họa

“Tôi thấy đôi chân của tôi còn nhạy cảm với thời tiết hơn cả đài khí tượng thủy văn. Bởi cứ hễ tối nay tôi thấy đau nhức khớp gối, đi lại khó khăn là y như rằng ngày mai trời sẽ mưa, nhiệt độ sẽ thay đổi.

Hay như khi tôi ở trong phòng mở điều hòa quá lạnh, ngồi điều hòa quá lâu là chân lại đau nhức khó chịu. Vì không chịu được thời tiết lạnh, thay đổi thất thường nên đã có thời gian tôi chuyển từ Hà Nội vào Nha Trang sinh sống.

Thời tiết trong đó rất tốt cho những người mắc bệnh xương khớp như tôi. Nhưng do làm công việc văn phòng, phải ngồi phòng điều hòa nhiều nên tình trạng đau nhức xương khớp của tôi không cải thiện, thậm chí còn có dấu hiệu tăng nặng hơn.

Bệnh tình không đỡ, lại phải xa gia đình nên tôi chán nản và quyết định trở về Hà Nội sinh sống, tìm thầy tìm thuốc chữa bệnh và học cách sống chung với bệnh xương khớp” – chị Lê tâm sự.

Vì sao người mắc bệnh xương khớp lại bị đau nhức nặng hơn khi gặp lạnh?

Theo chia sẻ của Lương y Nguyễn Thanh Thúy, Phòng khám Đông y Ích Thọ Đường, trong y học cổ truyền, một trong những nguyên nhân gây đau nhức xương khớp là do “ngoại tà” như Phong, Hàn, Thấp…, cùng tác động xâm phạm đến kinh lạc, cơ, khớp, làm cho khí huyết vận hành trong mạch lạc bị tắc trở, kinh lạc bất thông mà gây đau.

Trong đó, Hàn là một yếu tố rất quan trọng, vì vậy thời tiết lạnh ẩm làm người bệnh đau tăng lên. Nhất là ở người già, các chức năng hoạt động cơ thể bị suy yếu làm cho khí huyết vận hành giảm sút, không nuôi dưỡng được cân mạch, gây nên tình trạng đau và thoái hóa khớp.

  Nhiệt độ lạnh, ẩm sẽ làm tình trạng đau nhức xương khớp gia tăng. Ảnh minh họa

Nhiệt độ lạnh, ẩm sẽ làm tình trạng đau nhức xương khớp gia tăng. Ảnh minh họa

Bên cạnh sự xâm nhập của ngoại tà thì sự thay đổi của thời tiết như nóng lạnh thất thường, lúc mưa lúc nắng, nhiệt độ hạ thấp… khiến cơ thể chúng ta thường có xu hướng cố dự trữ năng lượng khiến việc lưu thông máu kém hơn bình thường và dẫn đến đau nhức.

Ngoài ra, vào mùa đông lạnh hoặc khi ở trong phòng điều hòa mát lạnh, không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da, ở các vị trí mà y học cổ truyền gọi là huyệt vị, cũng sẽ làm cho mạch máu tại các vùng da đó co lại, làm giảm lưu thông của dịch khớp, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc rất ít nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị thương tổn, gây nên đau nhức.

Nhiệt độ lạnh kèm theo độ ẩm trong không khí cao sẽ làm cho các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông hơn. Chính điều đó khiến khớp trở nên khô cứng, đau mỏi, khó cử động.

Làm cách nào để giảm đau nhức xương khớp khi sử dụng điều hòa?

Các chuyên gia xương khớp khuyến cáo, để đảm bảo hệ thống xương khớp khỏe mạnh và dự phòng bệnh tái phát, những người đang mắc bệnh xương khớp và người già có nguy cơ cao mắc bệnh xương khớp nên thực hiện các biện pháp phòng tránh sau đây:

Giữ ấm cho cơ thể: Khi ở trong phòng có điều hòa lạnh cần có biện pháp giữ ấm cơ thể, cần giữ ấm cổ, ngực, tay, chân, trong đó đặc biệt lưu ý giữ ấm các khớp dễ bị thoái hóa như (khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, bàn tay…).

Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng, cần làm ấm xung quanh vị trí đau bằng xoa dầu hoặc cao nóng, sử dụng túi chườm, lá ngải sao với muối… để các mạch máu giãn ra, khí huyết lưu thông được dễ dàng đến nuôi các khớp.

Không chườm hay xoa dầu nóng trực tiếp lên vùng khớp đang viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau) vì sẽ khiến tình trạng sưng viêm trở nên tồi tệ hơn.

  Nên bật điều hòa ở mức từ 26 đến 28 độ C và nên giữ ấm các khớp xương dễ bị thoái hóa như khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay. Ảnh minh họa

Nên bật điều hòa ở mức từ 26 đến 28 độ C và nên giữ ấm các khớp xương dễ bị thoái hóa như khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay. Ảnh minh họa

Không để điều hòa quá thấp: Tốt nhất nên bật điều hòa ở mức từ 26 đến 28 độ C, không nên chênh lệch quá 7 độ C so với nhiệt độ ngoài trời.

Trước khi ra khỏi phòng điều hòa, cần tăng nhiệt độ hoặc tắt điều hòa, ngồi nghỉ trong phòng để cơ thể từ từ thích nghi, tránh sốc nhiệt độ. Không để máy lạnh, quạt điện thổi trực tiếp vào bộ phận cổ để tránh cổ bị lạnh mà ảnh hưởng tuần hoàn máu.

Nghỉ ngơi hợp lý: Để phòng ngừa các bệnh xương khớp, cần từ bỏ thói quen ngồi làm việc quá lâu tại một vị trí mà hãy tranh thủ một vài phút giải lao đi lại, vận động nhẹ nhàng vừa giúp tinh thần thoải mái vừa ngăn ngừa bệnh thoái hóa khớp cổ, vai, cột sống.

Nhất là với những người làm việc văn phòng, không nên ngồi làm việc ở một tư thế lâu quá 2 giờ đồng hồ. Khi nghỉ ngơi nên giữ tư thế ngồi, nằm hợp lý; không vùi mình trên sô pha hay nằm nghiêng xem tivi… Không nên nằm gối quá cao.

Chế độ ăn uống hợp lý: Cần xây dựng chế độ ăn đủ chất và cân bằng để duy trì cân nặng ở mức độ vừa phải, tránh béo phì, thừa cân. Chế độ ăn cần phải chú ý bổ sung đầy đủ protein, các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, D và các nguyên tố vi lượng; đồng thời ăn nhiều thực phẩm hàm chứa nhiều canxi như sữa, chế phẩm từ đậu, các loại hạt, rau củ quả…

Người cao tuổi, những người có nguy cơ cao mắc bệnh xương khớp, phải uống đủ nước (1,5 – 2 lít nước/ngày). Tuyệt đối không uống nước có gas, có cồn, không nên dùng thực phẩm lạnh.

Bên cạnh đó, chế độ ăn uống của người cao tuổi cần bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, các loại rau tươi, trái cây, thịt cá tươi để tăng sức đề kháng.

Ngoài ra, cần tránh xa một số loại thực phẩm có thể tác động tới bệnh xương khớp vì những thực phẩm này sẽ sinh ra các chất có thể làm tăng gánh nặng cho khớp, trong đó bao gồm: các chất kích thích, thịt đỏ, đồ đông lạnh, phủ tạng động vật, đồ ăn nhanh, đồ ăn có tính nóng, quá chua hay quá mặn.

  Mỗi ngày cần dành khoảng 30 phút – 1 tiếng để thực hiện những bài tập thể dục đơn giản để phòng ngừa bệnh xương khớp. Ảnh minh họa

Mỗi ngày cần dành khoảng 30 phút – 1 tiếng để thực hiện những bài tập thể dục đơn giản để phòng ngừa bệnh xương khớp. Ảnh minh họa

Rèn luyện xương khớp: Nhiều người khi bị đau nhức xương khớp thường sợ đau nên không dám cử động khiến các khớp càng trở nên tê cứng. Nhưng thực chất, khi bị khớp, mọi người càng nên vận động thường xuyên nhưng nhẹ nhàng để giúp khí huyết lưu thông, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất và tăng tiết dịch, bôi trơn các khớp.

Có thể tập luyện hợp lý để cải thiện chức năng của khớp, hoặc sử dụng phương pháp masage, dùng phương pháp trị liệu.

Thay vì ngồi một chỗ, mỗi ngày chỉ cần dành khoảng 30 phút – 1 tiếng để thực hiện những bài tập thể dục đơn giản như: Bơi lội, đạp xe, đá bóng, cầu lông, tập thái cực quyền, khí công dưỡng sinh, yoga… theo nguyên tắc nhẹ nhàng, vừa sức khỏe mỗi người và khi thực hành xong cảm thấy các khớp dễ chịu, giảm đau, vận động được cải thiện.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính