Nỗi khổ của người bị viêm xoang trong phòng điều hoà lạnh
Những ngày nắng nóng gay gắt như mấy ngày nay làm bà Trần Thị Kim (54 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội), một người không nằm được phòng có điều hòa cũng phải “liều mình” chuyển sang phòng có lắp điều hòa ngủ cùng cháu nội.
“Các năm trước dù trời nóng tôi cũng chỉ sử dụng quạt. Bởi tôi bị viêm mũi xoang nên cứ hễ ở trong phòng có điều hòa là bị hắt hơi, ngạt mũi, khó thở…
Nhưng mấy ngày nay, thời tiết ở Hà Nội quá khó chịu, mở quạt cả đêm vẫn nóng bức làm tôi mất ngủ. Các con của tôi khuyên sang ngủ cùng phòng với cháu vì phòng có lắp điều hòa mát mẻ sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Sợ không chịu được điều hòa lạnh nên tôi đã bảo cháu gái tăng nhiệt độ lên 26 – 27 độ C. Cẩn thận hơn nữa tôi còn quàng khăn vào cổ, bịt khẩu trang khi đi ngủ, nhưng đến nửa đêm tôi vẫn thấy bị ngạt mũi, thở khó khăn, ngáp ngáp từng cơn y như cá mắc cạn.
Nghẹt mũi thời gian dài khiến não thiếu oxy làm tôi mệt mỏi, đau nhức đầu, vùng mặt, trán và hốc mắt. Bệnh viêm xoang tái phát khiến tôi mệt mỏi hơn và đành chấp nhận trở về phòng mình chịu nóng chứ không muốn bị bệnh tật hoành hành” – Bà Kim chia sẻ.
Tình trạng mà bà Kim gặp phải là tình trạng chung của nhiều người bị bệnh viêm mũi xoang. Nhất là với những người bị viêm xoang mạn tính, họ rất hay bị ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, đau đầu mỗi khi thời tiết thay đổi và bệnh có vẻ càng nặng hơn khi ở trong phòng có điều hòa.
Tuy nhiên, với những ngày hè nóng bức như hiện nay thì rất khó chỉ vì một người mà không mở điều hòa cho số đông những người khác, nhất là tại môi trường làm việc đông người trong văn phòng.
Điều hoà lạnh ảnh hưởng như thế nào tới người bị viêm mũi xoang?
Theo chia sẻ của PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ Môn Tai mũi họng, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, sự thay đổi về nhiệt độ ảnh hưởng rất lớn đến người bị viêm mũi xoang.
Điều hòa là một trong những nguyên nhân chính làm tỷ lệ mắc và tái phát bệnh viêm xoang ngày một tăng cao trong thời tiết mùa hè nóng bức.
Nguyên nhân dẫn đến viêm xoang khi sử dụng điều hòa được các chuyên gia tai mũi họng giải thích là do sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khi đang ở ngoài trời nóng vào phòng lạnh hoặc khi đang ở trong phòng điều hòa 20 độ rồi ra ngoài trời nhiệt độ 38 độ.
Đây là một trong những nguyên nhân gây kích thích niêm mạc mũi, nhất là những người nhạy cảm, làm cho niêm mạc mũi nề lên, đường dẫn lưu từ xoang ra mũi bị bít tắc và khởi đầu cho một quá trình bệnh lý của viêm mũi xoang.
Ngồi trong phòng điều hòa có nhiệt độ chênh lệch lớn với ngoài trời sẽ khiến cho mạch máu niêm mạc bị co lại, thân nhiệt giảm xuống gây mất cân bằng sinh nhiệt thích ứng của cơ thể, tạo ra các triệu chứng ngạt mũi, chảy dịch mũi, kích ứng niêm mạc hô hấp… ảnh hưởng đến khả năng làm sạch mũi xoang và gia tăng nguy cơ tái phát bệnh.
Ngoài ra, các ống điều hòa rất hay chứa vi khuẩn do không được vệ sinh thường xuyên cũng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm đường hô hấp và dẫn tới viêm mũi dị ứng và viêm mũi xoang.
Khi đó, người bệnh sẽ cảm giác rõ ràng đau nhức vùng mũi, má, sọ mặt xung quanh hốc mũi, đây chính là vị trí các xoang kế cận bao quanh mũi.
Người bệnh còn gặp phải tình trạng mỏi mắt, thậm chí là giảm thị lực và có thể xuất hiện thêm ho nếu như những dịch mũi chảy xuống họng.
Mặc dù có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống nhưng vì ít gây nguy hiểm chết người nên bệnh viêm xoang vẫn chưa được sự chú ý của cộng đồng, thậm chí người xung quanh còn nghĩ rằng người bị viêm mũi xoang phản ứng thái quá.
Và có lẽ chỉ những ai mắc bệnh viêm xoang mới thấm thía được những cơn đau nhức, tê buốt ở trán, má, mũi, những cơn khó thở mà bệnh mang lại. Việc thường xuyên khạc nhổ do mũi có mùi hôi khó chịu, nghẹt mũi, điếc mũi… khiến cho bệnh nhân gặp rất nhiều phiền toái trong giao tiếp cũng như sinh hoạt hàng ngày.
Giải pháp để người bị viêm xoang sống chung với điều hòa
Việc sử dụng điều hòa tại các nơi làm việc, tại không gian chung trong nhà là không thể tránh khỏi trong mùa hè. Vậy nên, người bị viêm xoang cần học cách sống chung với điều hòa theo những cách sau:
Tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột: Người bị viêm xoang khi đang đi ngoài trời nắng về không nên vào phòng điều hòa ngay mà nên ngồi chỗ thoáng mát một lúc để cơ thể quen dần với nhiệt độ. Hay như khi đang ngồi trong phòng mở điều hòa mát muốn ra ngoài trời cũng không nên vội vã ra ngay lập tức mà nên mở cửa phòng, chờ một chút cho cơ thể quen với nhiệt độ môi trường rồi mới đi ra.
Không để nhiệt độ phòng quá thấp: Với những người bị viêm xoang không nên để nhiệt độ phòng quá thấp hay quá chênh lệch so với nhiệt độ bên ngoài. Nhiệt độ tốt nhất là từ 26 độ C trở lên.
Tăng độ ẩm trong phòng: Mở điều hòa sẽ làm không khí trong phòng bị khô, làm người bị bệnh viêm xoang khó chịu. Có thể khắc phục tình trạng này bằng cách sử dụng máy phun sương hoặc đặt một chậu nước, bát nước, khăn ẩm cạnh chỗ làm việc, chỗ ngủ để tăng độ ẩm trong phòng, tránh bị khô niêm mạc mũi.
Vệ sinh sạch sẽ: Phòng ở, phòng làm việc phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, được hút bụi thường xuyên, mở cửa cho không khí lưu thông, vệ sinh điều hòa định kỳ, vệ sinh rèm cửa… để loại bỏ vi khuẩn, virus gây viêm đường hô hấp.
Sử dụng các loại tinh dầu: Xông hơi phòng bằng các loại tinh dầu sả, tinh dầu bạc hà… cũng có tác dụng làm không khí trong phòng sạch hơn, người bị bệnh viêm xoang cảm thấy dễ thở hơn, thoải mái hơn.
Ăn uống, tập luyện khoa học: Người bị viêm xoang nên có chế độ ăn bớt kích thích niêm mạc như tránh ăn đồ cay, đồ nóng. Hạn chế các loại thịt đỏ, thực phẩm giàu đạm như hải sản, nội tạng... Bổ sung nhiều rau quả để tăng sức đề kháng cho cơ thể… Đồng thời cần tăng cường thể dục thể thao giúp tăng cường sức khỏe, thường xuyên tự massage huyệt hai bên sống mũi sẽ giúp máu vùng xoang lưu thông và giảm đau.
Vệ sinh mũi họng sạch sẽ: Súc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý cũng là cách để giảm tái phát viêm xoang. Người bệnh nên rửa từng bên lỗ mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% để giúp mũi sạch sẽ.
An AnBạn đang xem bài viết Bị viêm xoang ngồi điều hòa lạnh nguy hiểm như thế nào? Cách phòng tránh tốt nhất tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].