Bệnh tay chân miệng tăng chóng mặt, làm cách nào để phòng bệnh cho con hiệu quả?

Bệnh tay chân miệng hiện đang có xu hướng gia tăng, những tuần qua số lượng trẻ nhập viện vì mắc tay chân miệng có dấu hiệu tăng nhanh.

Gia tăng trẻ nhập viện vì mắc tay chân miệng

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, chỉ tính riêng từ đầu tháng 7 đến nay, bệnh viện tiếp nhận khám cho hơn 20 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 12 trường hợp trẻ phải nhập viện điều trị với chẩn đoán tay chân miệng mức độ 2.

Chị Trần Thị T., mẹ của bệnh nhi Nguyễn Phú Q. (2 tuổi, ở TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đang điều trị tay chân miệng tại khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, từ chiều chủ nhật chị thấy con sốt cao đến 40 độ nhưng không thấy nổi ban nên không nghĩ con bị tay chân miệng.

Đến thứ 2 con có hiện tượng đau miệng, kém ăn và đến ngày thứ 3 kiểm tra thấy xuất hiện vết loét ở miệng. Lúc này chị T. mới nghĩ con mình mắc tay chân miệng, lại kèm theo sốt cao đã đưa con đến khám và được nhập viện điều trị.

  Một trường hợp trẻ nhập viện điều trị vị mắc tay chân miệng ở mức độ nặng

Một trường hợp trẻ nhập viện điều trị vị mắc tay chân miệng ở mức độ nặng

Một trường hợp khác là bệnh nhi P.T.K. N. (11 tháng tuổi, ở Thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) mới được nhập viện với chẩn đoán tay chân miệng độ 2a.

Theo mẹ bệnh nhi kể lại, trước khi nhập viện 1 ngày bé sốt 38,3. Có lúc sốt cao đến 39,2 độ, kèm theo đó là trẻ có hiện tượng giật mình 1 - 2 lần trong khi ngủ. Trẻ được cho uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ nên phải nhập viện điều trị.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 30 - 50 bệnh nhân. Chỉ tính riêng 2 tháng 6 và 7, số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng đã tăng 5 - 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Trung tâm bệnh nhiệt đới – Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 ca mắc tay chân miệng.

Còn tại Bệnh viện E, những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày khoa Nội Nhi tổng hợp của bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị từ 40 - 50 bệnh nhi, trong đó có khoảng 10 - 15 trường hợp tới khám và điều trị do mắc bệnh tay chân miệng.

Tình trạng trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng trong thời gian gần đây được các chuyên gia y tế lý giải nguyên nhân một phần là do thời tiết nắng nóng bất thường, khiến trẻ em mắc các bệnh mùa hè gia tăng, trong đó có bệnh tay chân miệng.

Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh tay chân miệng (hand-foot-mouth disease) là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.

Bệnh gặp rải rác quanh năm ở hầu hết các địa phương và có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.

Đặc biệt, mùa hè là thời điểm bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh. Khi mắc bệnh, trẻ có thể tự khỏi sau 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nặng nếu không được điều trị đúng cách có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

  Khi mắc tay chân miệng trẻ có thể tự khỏi sau 5 đến 7 ngày, nhưng cũng có trường hợp bị nặng có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Khi mắc tay chân miệng trẻ có thể tự khỏi sau 5 đến 7 ngày, nhưng cũng có trường hợp bị nặng có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ thế nào?

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng, do đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh sau:

  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
  • Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không nhai/mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
  • Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  • Cách ly trẻ với những người đang mắc bệnh hoặc nghi ngờ bị tay chân miệng.
  • Trong 10-14 ngày đầu khi trẻ nhiễm tay chân miệng, cha mẹ cần cách ly trẻ tại nhà, không để trẻ đến trường học hay những nơi đông người...

TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh tay chân miệng tuy có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu dễ nhận biết bao gồm:

– Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.

– Tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… 

Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính