Người lớn bị lây bệnh như thế nào?
Cơ thể người lớn vốn có sức đề kháng mạnh hơn nên thường ít mắc bệnh tay chân miệng, tuy nhiên trường hợp mắc bệnh lại có thể nguy hiểm hơn cả ở trẻ nhỏ do thường xảy ra với những người vốn có hệ miễn dịch yếu nên virus dễ xâm nhập vào các cơ quan khác trong cơ thể, gây thêm các bệnh lý khác.
Viruts gây bệnh tay chân miệng được lan truyền do tiếp xúc với nước bọt, phân, dịch mũi của người bị nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, có những người lớn khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng cũng có thể dương tính với virus gây bệnh là Enterovirus và Enterovirus 71, tuy nhiên lại không có biểu hiện ra bên ngoài và có thể trở thành nguồn mang bệnh đi xa hơn.
Mỗi năm tại thời điểm bùng phát dịch tay chân miệng, các bệnh viện trên cả nước lại ghi nhận một vài trường hợp người lớn mắc bệnh.
Năm 2016, tại ĐH Florida (Mỹ) ghi nhận 12 ca mắc bệnh tay chân miệng, cho thấy bệnh này hoàn toàn có thể lây lan giữa những người ở độ tuổi trưởng thành.
Triệu chứng của bệnh tay chân miệng ở người lớn
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), bệnh tay chân miệng ở người lớn cũng có thể có triệu chứng như trẻ em: Các triệu chứng sớm như sốt, ho, đau bụng, chán ăn.
Sau thời gian ủ bệnh thì quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hay bẹn có thể có mụn nước, một số trường hợp chỉ nổi ban nên dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sởi…
Biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng
Thường thì bệnh tay chân miệng có thể chăm sóc tại nhà, tuy nhiên có những triệu chứng có thể là biểu hiện của biến chứng nguy hiểm như: sốt cao trên 39 độ, sốt dài ngày và khó hạ sốt, nôn ói nhiều, li bì, run tay, chân, tay chân yếu sức, khó thở…
Các biến chứng của bệnh tay chân miệng có thể là viêm màng não, viêm tim hay viêm phổi, có những trường hợp bệnh chuyển biến nặng mà không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Người lớn nên phòng bệnh tay chân miệng như thế nào?
Khoảng thời gian từ tháng 9 – tháng 11 mọi năm thường dễ có dịch lây lan và đặc biệt là với những phụ huynh có con mắc bệnh tay chân miệng, cần chú ý trong việc giữ vệ sinh phòng bệnh cho cả gia đình.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi chế biến và ăn uống, trước và sau khi bế hay vệ sinh cho trẻ
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, đặc biệt là đồ chơi trẻ hay chơi, các vị trí như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa, mặt bàn...
- Không sử dụng chung vật dụng ăn uống, nên tráng nước sôi trước khi sử dụng, không cho trẻ ăn bốc mút, không mớm thức ăn cho trẻ.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, nước bọt hay chất thải của người bệnh.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
CÁC CẤP ĐỘ BỆNH VÀ CÁCH XỬ LÝ
Bệnh tay chân miệng có 4 cấp độ, lần lượt là 1, 2, 3 và 4. Trong đó:
- Cấp độ 1: Đây là cấp độ bệnh tương đối nhẹ và có thể điều trị tại nhà, bệnh thường có biểu hiện loét miệng và/hoặc tổn thương da.
- Cấp độ 2: Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ có những biểu hiện thường gặp như giật mình dưới 2 lần/30 phút; sốt trên 2 ngày, hay sốt trên 39 độ , nôn, lừ đừ, khó ngủ, quấy khóc vô cớ.
Trong cấp độ 2 của bệnh, bệnh nhân sẽ được phân vào những nhóm bệnh khác nhau với những biểu hiện đặc trưng và cách điều trị phù hợp cho từng nhóm.
Tay chân miệng độ 2a:
Trẻ có dấu hiệu giật mình dưới 2 lần trong vòng 30 phút, lúc khám không ghi nhận triệu chứng này. Sốt cao liên tục trên 2 ngày, có lúc sốt trên 39 độ. Nôn, khó ngủ, lừ đừ, chán ăn.
Tay chân miệng độ 2b:
Tay chân miệng độ 2b được chia thành 2 nhóm, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Nhóm 1: Giật mình nhiều, ghi nhận được tại lúc khám, giật mình trên 2 lần trong vòng 30 phút. Mạch đập nhanh trên 150 lần/phút ngay cả khi nằm yên. Sốt cao trên 39 độ ngay cả khi đã uống hạ sốt.
Nhóm 2: Cơ thể loạng choạng, ngồi không vững, chân tay run, run toàn thân, mắt lác, liệt chi, giọng nói thay đổi, nuốt bị sặc.
- Cấp độ 3: Những dấu hiệu của bệnh tay, chân, miệng cấp độ 3 thường thấy như: Mạch đập chậm (dấu hiệu rất nặng); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú; HA tăng; thở nhanh, thở bất thường; rối loạn tri giác (Glasgow < 10 điểm); tăng trương lực cơ...
- Cấp độ 4: Nếu trường hợp bị tay chân miệng cấp độ 4, thì bắt buộc phải được đưa đi bệnh viện ngày lập tức và thực hiện điều trị.
Hướng xử lý với các cấp độ:
- Cấp độ 1 và cấp độ 2: Bệnh nhân có thể tự điều trị tại nhà dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, trong điều trị cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
- Cấp độ 3, 4: Điều trị nội trú tại đơn vị hồi sức tích cực. Trong điều trị, các bác sĩ sẽ theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, tri giác... Giai đoạn này bắt buộc phải điều trị tại bệnh viện, vì nếu có trường hợp bất ngờ các bác sĩ có thể xử lý và khắc phục ngay được cho người bệnh tay chân miệng.
Mai HoaBạn đang xem bài viết Bệnh tay chân miệng ở người lớn: nguy cơ, phòng ngừa và cách điều trị hiệu quả tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].