Liên quan tới sự việc Vương Đình Cường (37 tuổi, địa chỉ Tân Hòa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) tử vong bất thường sau khi mổ tay tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ông Đào Thiện Tiến – Giám đốc bệnh viện đã có những giải đáp với báo giới.
Vì sao chậm cung cấp thông tin?
Lý giải việc chậm trễ cung cấp thông tin cho báo chí về sự việc, ông Tiến cho biết, sở dĩ có việc này vì sáng 10/5, phía bệnh viện đã họp khẩn cấp kíp phẫu thuật cũng như gây mê để sơ bộ ban đầu nắm thông tin, tình hình sự việc.
Trước câu hỏi của PV xoay quanh việc sau mổ, khi người nhà bệnh nhân nhìn thấy bệnh nhân thì không có bác sĩ hay nhân viên y tế nào của bệnh viện ở cạnh, ông Tiến giải thích: “Tới 16h ngày 9/5, xác định bệnh nhân tử vong. Về nguyên tắc không bao giờ người nhà bệnh nhân hay người lạ có quyền xâm nhập vào khu vực phòng mổ cấp cứu vì đây là nguyên tắc tối cao của mổ bởi đó là khu vô trùng và cách ly tuyệt đối".
Ông Đào Thiện Tiến khẳng định: "Khoảng thời gian người nhà bệnh nhân vào được khu vực đó là lúc đã ngừng quá trình cấp cứu, bệnh nhân đã tử vong rồi. Đây là nhận định mang tính chất sơ bộ".
Một số tờ báo dẫn lời người nhà bệnh nhân thuật lại vào khoảng 13h30 phút ngày 9/5, người nhà bệnh nhân được lên khoa Hồi sức của bệnh viện. Lúc này chỉ có một mình anh Cường ở trong phòng thấy bệnh nhân trong tình trạng bị tím tái, bụng chướng nên chạy đi tìm bác sĩ. Mặc dù được các bác sĩ có mặt tại phòng bệnh tiến hành cấp cứu nhưng sau đó bệnh nhân vẫn tử vong.
“Chúng tôi thực hiện đúng theo yêu cầu của lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, xử lý nghiêm, thực hiện đúng các quy trình trong quy định kiểm thảo tử vong và xác định rõ nguyên nhân sự việc. Nếu có sai phạm chúng tôi sẽ xử lý với tinh thần nghiêm túc kiểm điểm cho những lần sau”, ông Tiến nhấn mạnh.
Phía bệnh viện khẳng định, các bác sĩ đã giải thích cho gia đình, đã mời người nhà lên giải thích về tình trạng bệnh nhân sau mổ nhưng không loại trừ trường hợp những người cũng là người nhà nhưng họ tới sau và chưa được giải thích nên họ có hành động bột phát và ngoài kiểm soát của bệnh viện".
Tử vong vì tắc mạch do mỡ?
Nhận định ban đầu về nguyên nhân dẫn đến tai biến, ông Tiến thông tin, có thể do vấn đề tắc mạch do mỡ, trong y văn cũng có đề cập và trong thực tế lâm sàng cũng có gặp.
“Tuy nhiên, để khẳng định bệnh nhân này có phải trường hợp đó không thì tôi chưa khẳng định được mà phải chờ giám định pháp y và các chuyên gia đầu ngành.
Trước tình hình này, mọi cán bộ viên chức của bệnh viện thấy trách nhiệm của mình rất lớn, cần chia sẻ, động viên với người bệnh và làm bất cứ điều gì mà gia đình yêu cầu thì bệnh viện đáp ứng.
Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, sở Y tế, UBND cũng như các cơ quan chức ăng của địa phương, công an phường, quận, giám định pháp y, cơ quan tố tụng (nếu cần), sẵn sàng phối hợp để xử lý”, ông Tiến nói.
L.MinhBạn đang xem bài viết Bệnh nhân tử vong sau mổ tay: Vì sao người nhà vào thăm không thấy nhân viên y tế bên cạnh? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].