Theo PGS. TS Đinh Kim Xuyến - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng Vắc xin và Sinh phẩm y tế, Nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Chương trình Quốc gia phòng chống bệnh dại cho biết, chó nhà nuôi luôn được coi là con vật thông minh, thân thiện, có nhiều lợi ích trong đời sống con người. Nhưng khi người nuôi chó không có những kiến thức cơ bản về bệnh do chó gây nên, chó sẽ chính là mối nguy cơ tiềm ẩn gây nên những cái chết thương tâm. Bên cạnh các nguồn lây bệnh từ động vât hoang dã ăn thịt như khỉ, cáo, chồn, chó sói, sóc, dơi… thì chó nuôi là con vật chính truyền bệnh dại cho người. Ở Việt Nam, chó truyền bệnh dại chiếm đến gần 96%, mèo chỉ chiếm 3 – 4 %, các con vật khác hiếm ghi nhận được.
Khi chó bị phơi nhiễm với vi rút dại sẽ có thời gian ủ bệnh và khi nó đã phát bệnh với những biểu hiện bất thường khác nhau, điển hình với các triệu chứng rất hung dữ, chạy lung tung cắn nhiều người và các con vật khác, mắt long sòng sọc, chảy nhiều dớt dãi (thể hung dữ), … Cũng có những trường hợp chó nằm ở chỗ tối buồn bã, ủ rũ, không ăn uống, hoặc có thể bị tiêu chảy…
Khi chó, mèo đã có các triệu chứng dại, lúc đó vi rút dại có rất nhiều ở tuyến nước bọt của con vật và có khả năng truyền vi rút dại ít nhất trong 10 ngày, đó là thời gian nguy hiểm nhất truyền vi rút dại cho người và các động vật khác. Vi rút dại được truyền qua vết cắn, vết cào, vết liếm trên da và niêm mạc bị tổn thương. Vì vậy nhiều trường hợp chăm sóc con vật bị dại cũng bị phơi nhiễm với vi rút dại.
Chính vì vậy, để phòng tránh bệnh một cách tốt nhất, PGS. TS Đinh Kim Xuyến khuyến cáo, biện pháp duy nhất có hiệu quả để ngăn ngừa người bị bệnh dại là khi bị phơi nhiễm với vi rút dại do bị con vật cắn, cào, liếm trên da và niêm mạc bị tổn thương hoặc chăm sóc con vật bị ốm, nghi bị bệnh dại,… người đó phải rửa ngay vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối đặc, các chất sát khuẩn như cồn y tế, cồn i-ốt...
Sau đó đến cơ sở y tế để được khám và có chỉ định phác đồ điều trị dự phòng hợp lý càng sớm càng tốt. Do thời gian ủ bệnh dài nên các trường hợp bị nhiễm vi rút dại nhưng chưa có triệu chứng dại vẫn nên đi tiêm vắc xin phòng dại để tạo miễn dịch trước khi vi rút dại xâm nhập hệ thần kinh trung ương.
Ngoài ra, người nghi ngờ bị dại tuyệt đối không đi chữa thuốc nam.
“Khi bệnh nhân đã có triệu chứng dại thì tiêm huyết thanh kháng dại, vắc xin phòng dại và các thuốc khác đều không có tác dụng, 100% tử vong!” - PGS TS Đinh Kim Xuyến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khi chó, mèo ốm, có biểu hiện không bình thường phải nhốt cách ly theo dõi, khi tiếp xúc phải có dụng cụ bảo vệ. Sau khi tiếp xúc phải rửa bằng xà phòng, chất sát khuẩn. Khi chó dại, nghi dại chết phải chôn sâu đổ vôi bột để sát khuẩn. Tuyệt đối không làm thịt chó ốm nghi dại vì trong quá trình làm thịt sẽ bị lây nhiễm vi rút qua các vết thương.
Đặc biệt, khi chó, mèo bị dại thường rất hung dữ, cắn nhiều người và các vật khác như chó, mèo, trâu, bò, lợn, ngựa,.. sẽ gây ra ổ dịch dại ở động vật lưu truyền năm này sang năm khác, đó là nguyên nhân chính khiến bệnh dại lưu hành.
Vì vậy, việc xử lý triệt để ổ dịch dại ở động vật là quan trọng nhất. Người dân cũng không nên bán hoặc di chuyển chó, mèo ốm, nghi dại nhằm giảm nguy cơ lây truyền bệnh dại cho người và lây lan bệnh dại ở các con vật khác ở nhiều vùng khác.
Chó, mèo nuôi phải tiêm vắc xin phòng dại liên tục hàng năm theo đúng quy định của ngành thú y sẽ tạo được miễn dịch bảo vệ cho chó không bị bệnh dại. Chó không bị bệnh dại sẽ không gây bệnh dại cho người.
Người dân cũng cần hạn chế nuôi chó, không thả rông: khi nuôi nhiều chó và thả rông sẽ rất khó khăn trong việc tiêm vắc xin phòng dại thường xuyên. Chó nuôi phải xích, nhốt, khi ra đường phải có rọ mõm để hạn chế cắn người và các con vật. Chó thả rông là nguy cơ lây nhiễm dại cho đàn chó trong khu vực và những con vật khác.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Bệnh dại: Đừng để những con chó biến thành 'tử thần' tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].