Gia Đình Mới có cuộc trao đổi với bác sĩ Lisa, Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc về việc xử lý tình huống trao nhầm con nhân vụ trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) mới đây.
Với một số sản phụ, nếu như họ có linh cảm em bé sơ sinh vừa được đưa về mẹ không phải là con mình thì bác sĩ có lời khuyên như thế nào để không xảy ra tình huống kể trên?
Bác sĩ Lisa: Ngay từ đầu, mẹ nên nhận thức rõ các yếu tố nguy cơ và cân nhắc tìm hiểu nơi định thực hiện cuộc vượt cạn của mình để đảm bảo an toàn (trừ tình huống cấp cứu không mong muốn). Sau đó, gia đình và sản phụ cần trao đổi với bệnh viện về trách nhiệm của mình trong việc phối hợp an toàn sinh và an toàn trẻ sơ sinh.
Đồng thời, thực hiện đúng quy trình giao nhận trẻ với nhân viên y tế khi trẻ phải tách mẹ để thăm khám, chăm sóc trong thời gian lưu viện. Tuyệt đối không giao trẻ cho những người không phải là nhân viên y tế của bệnh viện mình đã chọn.
Nếu linh cảm con mình bị trao nhầm, ngay lập tức báo với người có trách nhiệm của khoa đang nằm điều trị để được phối hợp xử lý kịp thời.
Còn khi đã xảy ra chuện trao nhầm trẻ sau đó một thời gian mới phát hiện thì cần phải xử trí như thế nào, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Lisa: Theo tôi, chúng ta không nên thay đổi một cách quá nhanh, chuyển trả con ngay sẽ gây nên cú sốc cho gia đình. Vì khi em bé đã sống một thời gian với gia đình cũ, bé đã có tình cảm và quen với thói quen sinh hoạt của gia đình đó thì cha mẹ cần từ từ động viên, giải thích cho con hiểu phần nào và dần làm quen,chấp nhận thích nghi môi trường sống mới.
Khi chăm lo một em bé mà phát hiện không giống mình, nó là cú sốc cho cả em bé và gia đình. Gia đình hãy bình tĩnh, không nên tiếp tục gây tổn thương cho con trẻ vì chúng không có lỗi
Ở quốc gia nơi Lisa làm việc nếu chuyện này xảy ra cũng có chế tài phạt, tùy theo mức độ sẽ xử lý sao cho thỏa đáng nhất. Cũng may là tại Bệnh viện nơi tôi từng công tác chưa để xảy ra sai sót như vậy.
Từ phía 2 gia đình, cả 2 nên từ từ thống nhất để đưa đến việc giao lại em bé cho gia đình mới vào thời điểm nào cho phù hợp.
Và 2 gia đình vì đã nuôi dưỡng 2 em bé nên giữ quan hệ tốt, bởi1 gia đình có công sinh thành, 1 gia đình có công nuôi dưỡng.
PV: Ở khoa Sản, bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc có khá nhiều bác sĩ nước ngoài làm việc, khâu trao trả con sau khi sinh nở "mẹ tròn con vuông" được tiến hành như thế nào?
Bác sĩ Lisa: Hiện nay, khâu trao trả con của Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc được thực hiện nghiêm ngặt và được quản lý bởi quy trình, quy định chặt chẽ áp dụng chung cho toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, trong quá trình đẻ mỗi phòng đẻ chỉ có một bàn đẻ hoặc một bàn mổ. Vì vậy không thể có trường hợp đông sản phụ trong cùng một phòng đẻ.
Mỗi em bé sau sinh được chăm sóc bởi một hộ lý. Và không có việc cùng một lúc mà hộ lý đó phải chăm sóc nhiều em bé để tránh sơ sót có thể xảy ra.
Mẹ và bé được đeo đầy đủ cặp vòng nhận dạng sơ sinh; đeo ngay tại bàn đỡ đẻ, bàn đón mổ; kiểm tra 3 thông tin ghi trên vòng nhận dạng mẹ và con đảm bảo khớp đúng (họ và tên mẹ, năm sinh, số con). Và việc đeo vòng nhận dạng mẹ và con, ghi vào hồ sơ bệnh án phải do cùng 1 hộ sinh thực hiện tránh nhầm lẫn.
Đáng chú ý, vòng định danh là loại chống ngấm nước, không thể và không được phép tháo ra cho đến khi em bé về nhà.
Sau khi da kề da với mẹ, bé được mặc áo và nằm trong lồng giữ ấm ngay tại phòng sinh để mẹ dễ quan sát. Mẹ sau khi được vệ sinh và trở về phòng hồi sức thì em bé đi theo mẹ luôn. Sau đó, gia đình được nhận bé, bé được thực hiện da kề da với bố. Đảm bảo cả gia đình đều biết mặt con.
Khi em bé ra khỏi viện thì có kiểm tra giấy tờ và do hành chính, an ninh sẽ kiểm tra tại cổng viện, đảm bảo quản lý chặt chẽ giấy ra viện và giấy chứng sinh theo hồ sơ bệnh án. Giấy ra viện phải do Khoa Sản xác nhận. Người được phép ký xác nhận giấy ra cổng là Bác sĩ trưởng phó khoa, điều dưỡng trưởng, trưởng tua trực. Tôi đánh giá quy trình này là rất chặt chẽ, nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đặc biệt, kết hợp với thực hiện da kề da sau sinh do bác sĩ thực hiện thì giây phút gặp con đầu đời càng ý nghĩa. Mẹ được gặp con thì bản năng của mẹ càng tốt, không thể nhầm lẫn con mình được (nếu bị trao nhầm).
Nhờ đó, may mắn, từ ngày thành lập Khoa Sản, Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc chưa từng xảy ra trường hợp nào đáng tiếc nào như đánh ngã trẻ, gây bỏng, trả nhầm con, ghi hoặc thông báo nhầm giới tính, mẹ trốn viện kèm trẻ sơ sinh…
Theo một số chuyên gia, có 3 hoàn cảnh dễ phát sinh nhầm lẫn trong trao trả trẻ sơ sinh: giai đoạn ngay sau khi đẻ, nhân viên y tế phải chăm sóc nhiều em bé nên không kịp định danh, từ đó gây nhầm lẫn? Trường hợp trẻ phải tách mẹ, đưa đến phòng chăm sóc, tại đây có sự nhầm lẫn? Và trường hợp, trẻ đã về với mẹ nhưng vì lí do phát sinh như nhân viên mang đi tắm, tiêm chích… dẫn đến nhầm lẫn. Vậy bác sĩ đánh giá sao về những hoàn cảnh trên và cách khắc phục như thế nào?
Bác sĩ Lisa: Tại Thu Cúc thì mỗi hộ lý chăm sóc một trẻ nên kiểm soát được các rủi ro. Ngay sau đẻ, mỗi một phòng đẻ chỉ có một bàn đẻ hoặc một bàn mổ, em bé chỉ được chăm sóc bởi một hộ lý nên không thể xảy ra sai sót. Trẻ luôn được nằm cùng phòng với mẹ từ lúc sinh cho đến lúc về buồng, ra viện.
Với các bệnh viện khác, để tránh những trường hợp đáng tiếc thì cách tốt nhất là nâng cao chất lượng quản lý, kiểm soát sản phụ ngay từ đầu, áp dụng các phương pháp chăm sóc 1- 1, tuân thủ quy trình được đặt ra.
Tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, có sử dụng biện pháp da áp da hoặc mỗi phòng mổ chỉ có một bàn mổ. Ngoài đảm bảo về yêu cầu dịch vụ, liệu những cách kể trên có ý nghĩa gì với việc định danh của trẻ, giúp gia đình, sản phụ nhận diện nhanh khuôn mặt em bé của họ?
Bác sĩ Lisa: Da kề da là biện pháp rất tốt sau sinh. Ngay từ giây phút đầu tiên khi da kề da mẹ đã được biết mặt bé, kích thích bản năng của mẹ, tầm quan trọng của da kề da mẹ và bố phút gặp gỡ đầu tiên.
Bản năng của mẹ gặp con ngay sau sinh khả năng ghi nhớ được tăng cao, củng cố sự gắn bó mẹ con. Nếu không may con bị trao nhầm, mẹ sẽ dễ dàng phát hiện hơn so với những trường hợp không được gặp con ngay sau sinh.
Ngoài ra, còn áp dụng da kề da giữa con với bố: thêm một lần chứng thực, kiểm tra từ bố, giảm tối đa được khả năng nhận nhầm con.
Tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc ngoài việc thực hiện da kề da mẹ-con ngay sau sinh, thì bệnh viện còn trang bị phòng chức năng riêng biệt để bố được da kề da với con.
Phòng được thiết kế đặc biệt, đảm bảo nhiệt độ, ánh sáng tốt nhất và thực hiện hoàn toàn miễn phí. Điều này giúp định danh bé, gia đình được nhận diện và gặp con sớm.
Xin cám ơn bác sĩ!
Bác sĩ Lisa có 8 năm làm bác sĩ gia đình, chăm sóc sức khỏe gia đình và 5 năm làm việc ở vị trí BS CKI về sản phụ khoa tại Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em. Đây là bệnh viện thực hiện nhiều ca đẻ nhất tại Cuba, mỗi năm bác sĩ Lisa đón khoảng 400 đến 500 em bé chào đời.
Tại Bệnh ĐKQT Thu Cúc: Bác sĩ thực hiện đầy đủ chuyên môn trong chăm sóc toàn diện cho bà mẹ trẻ em từ khi chuẩn bị có thai cho đến sau sinh, đặc biệt là chăm sóc cho những trường hợp thai sản nguy cơ cao, chăm sóc bệnh lý.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Bác sĩ quốc tế nói về vụ trao nhầm con: Không nên gây tổn thương cho trẻ vì chúng không có lỗi tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].