Vụ việc trao nhầm con giữa hai gia đình ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đang gây xôn xao dư luận, vì sự việc vẫn còn vướng các thủ tục pháp lý cản trở việc trao nhận lại con giữa 2 gia đình.
Theo nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý An Việt Sơn, trong “cuộc chiến giành lại con” này chỉ cần người lớn có cách ứng xử không đúng mực là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của 2 đứa trẻ.
Với một đứa trẻ 6 tuổi, bé đã đủ nhận thức được về bố mẹ, biết được ai là người chăm lo, gần gũi mình nhất và có thể trẻ đã đặt tình cảm, sự yêu thương và tin tưởng vào người bố, người mẹ đã chăm sóc trẻ từ lúc lọt lòng.
Nếu cưỡng chế, ép trẻ tách rời bố mẹ đã chung sống, chăm sóc 6 năm, bắt trẻ rời bỏ môi trường thân thuộc một cách đột ngột thì rất có thể trẻ sẽ bị rối loạn tâm lý do chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng để đón nhận sự việc.
“Nguy hiểm hơn nữa là nếu bố mẹ đẻ tỏ thái độ xót ruột về con, nói những lời nói như kiểu con gầy quá, đen quá, tội nghiệp vì con không được chăm sóc chu đáo, hoàn cảnh sống thiếu thốn… sẽ làm cho trẻ buồn hơn, có suy nghĩ lệch lạc là bố mẹ trước không chăm sóc tốt cho mình, oán trách bố mẹ đẻ đã để xảy ra nhầm lẫn dẫn đến cuộc sống của mình khổ cực như vậy…
Điều này rất nguy hiểm với trẻ. Bởi nó sẽ hình thành nên nhân cách của trẻ khi trưởng thành. Nó không chỉ gây cho trẻ sự hụt hẫng, đau khổ, bất an, sợ hãi mà còn gây rối loạn về tâm sinh lý của trẻ, ảnh hưởng đến ăn uống, giấc ngủ, rối loạn hành vi…” – ông Nguyễn An Chất nhấn mạnh.
Giải pháp ưu việt cho 2 đứa trẻ trong vụ nhầm lẫn con hy hữu được vị chuyên gia tâm lý này đưa ra là người lớn trong gia đình cần thể hiện tình yêu thương nhiều hơn với trẻ, giải thích để trẻ hiểu rằng từ nay trẻ sẽ có thêm một gia đình nữa, có thêm bố, thêm mẹ, thêm người thân thương yêu trẻ.
Cả hai bên bố mẹ cần cho con có thời gian thích nghi với sự thay đổi, có thời gian thích ứng hoàn cảnh mới, chuẩn bị tâm lý.
Thực tế ông bố và 2 bà mẹ đều đã yêu thương đứa con không phải do mình sinh ra, vì vậy nên giải quyết vấn đề bằng tình cảm yêu thương và dựa trên quyền lợi của con.
Hai bên gia đình nên giữ mối quan hệ qua lại để các con quen dần môi trường mới, hình thành tình cảm yêu thương với bố mẹ ruột và khi tình cảm chín muồi mới thích hợp đi đến quyết định trao đổi con.
Và điều quan trọng là người lớn trong gia đình cần tạo điều kiện để trẻ lớn lên trong tình cảm yêu thương, giúp trẻ an tâm, tin tưởng với người thân, gia đình mới.
Kết quả sẽ càng tốt đẹp hơn nếu 2 đứa trẻ được bố mẹ tạo điều kiện thường xuyên gặp mặt, gần gũi thân thiết như anh em trong nhà.
Lý LĩnhBạn đang xem bài viết Vụ nhầm con ở Ba Vì: 'Trong các cuộc chiến giành con, người thiệt thòi nhất là đứa trẻ' tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].