Tại các bệnh viện, quy trình thường là sau khi bà bầu có dấu hiệu chuyển dạ, thai phụ sẽ đến viện làm thủ tục tại phòng khám. Khi đó, thông tin của thai phụ sẽ được cập nhật vào hệ thông của bệnh viện và mỗi thai phụ sẽ có mã số, bệnh án riêng biệt.
Và khi vào phòng sinh, nhân viên y tế sẽ đưa mẹ bầu xác nhận thông tin của mình trên 2 chiếc vòng nhựa là giống nhau, sau đó một chiếc sẽ được đeo vào tay mẹ, một chiếc được đeo và tay hoặc chân bé ngay sau khi trẻ chào đời.
Bác sĩ Lê Thế Vũ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, khi thực hiện một ca sinh, các bác sĩ phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt từ khi mẹ nhập viện đến khi con trở về bên mẹ an toàn, tránh nhầm lẫn.
“Với những ca đỡ đẻ thường, tôi có thói quen nâng đứa trẻ vừa chào đời lên đúng tầm mắt của sản phụ để sản phụ có thể nhìn thấy đứa con của mình từ những giây phút đầu tiên. Sau đó, em bé được đeo vòng đánh dấu có thông tin giống vòng tay của mẹ. Do đó, việc nhầm lẫn rất khó có thể xảy ra” – bác sĩ Vũ cho hay.
Cùng quan điểm đó, một bác sĩ sản phụ khoa đang công tác tại Bệnh viện Từ Dũ cũng chia sẻ, sau khi em bé ra đời, trẻ được thực hiện kỹ thuật da kề da với mẹ, nhân viên y tế cũng sẽ giúp mẹ nhìn thấy hình hài và nhận diện giới tính của con.
Sau đó, nhân viên y tế sẽ đeo vòng có ghi thông tin của mẹ lên cho cả mẹ và bé, thông số ghi trên 2 chiếc vòng này là giống nhau.
Ngoài đeo vòng có ghi thông tin cho cả mẹ và con thì tại Bệnh viện Từ Dũ, các bác sĩ còn dùng bút lông viết thông tin của mẹ vào cánh tay hoặc chân con. Vết bút lông này rất khó mờ, phải sau vài tuần tắm mới được xóa sạch.
Đối với những trường hợp sinh mổ, thai bệnh lý, trong thời gian chờ sức khỏe mẹ hồi phục, bé sẽ được nhân viên y tế chăm sóc và việc chăm sóc này có sự giám sát của người thân sản phụ.
Trong quá trình nằm viện, bé sẽ được tắm hàng ngày. Tuy nhiên, nhân viên y tế phải luôn đảm bảo mã số đeo ở tay, chân trẻ không bị cắt bỏ trong suốt quá trình vệ sinh.
Tại Bệnh viện Việt Pháp, quy trình trao nhận con sau khi sản phụ vượt cạn cũng diễn ra rất chặt chẽ. Ông Trương Kiều Nghị - Quản lý Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cho biết, quy trình trao nhận con sau sinh của bệnh viện được thực hiện theo tiêu chuẩn châu Âu.
Trẻ vừa sinh ra sẽ được tiếp xúc "da kề da" với ngực hay bụng mẹ trong trường hợp sinh thường. Sản phụ và bé đều được đeo vòng bằng nhựa có ghi đầy đủ họ tên, năm sinh, mã số vào viện khi làm thủ tục nhập viện. Khi đã bấm vòng vào tay hoặc chân thì không thể tháo ra được mà chỉ có thể dùng kéo cắt.
Khi trẻ được nhân viên y tế đưa đi làm vệ sinh đều có sự theo dõi, giám sát của người nhà nên rất khó xảy ra nhầm lẫn. Và từ lúc bé được sinh ra đến lúc chuyển về phòng hậu sản chăm sóc thì hầu như bé không tách rời người thân.
Còn với trường hợp mổ lấy thai, mẹ cũng được nhìn mặt con và đeo vòng ghi thông tin như sinh thường nhưng do phải chăm sóc đặc biệt hơn nên gia đình sẽ đi cùng nhân viên y tế bế bé đến khoa, phòng riêng và có sự theo dõi thông tin, có bàn giao rõ ràng.
Cho đến khi ra viện, nhân viên của bệnh viện cũng tiến hành kiểm tra thông tin đầy đủ, tránh gây nhầm lẫn trước khi ra viện.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Rất khó có chuyện trao nhầm con nếu tuân thủ quy trình trao nhận chặt chẽ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].