Trao nhầm con ở Bình Long: Con không giống bố, chồng nghi ngờ vợ ngoại tình và đi tìm sự thật
Năm 2013, chị Trang sinh cùng phòng với chị Thị Liên tại Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long. Chị Trang sinh trước 15 phút. Thấy con gái lớn lên mà chẳng giống ai trong gia đình, người chồng nghi ngờ vợ ngoại tình.
Đầu tháng 5 năm ngoái, trong lần đi bán bánh mì ở làng bên, bố chị Trang bất ngờ thấy chị Liên bế bé gái rất giống cháu ngoại đầu nên nghi ngờ. Chị Trang đưa bé đi xét nghiệm ADN thì phát hiện con gái không cùng huyết thống.
Nhận được khiếu nại, Bệnh viện Bình Long đã đưa hai bé đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo. Ngày 25/7, hai bé gái được trả về cho ba mẹ ruột sau ba năm bị trao nhầm.
Hai gia đình cho biết sau khi hòa giải, trao trả hai bé cho bố mẹ ruột, Bệnh viện đa khoa Bình Long đã hỗ trợ mỗi gia đình 20 triệu đồng.
Anh Vũ Đình Khiên (38 tuổi), người cha ba năm lặn lội đi tìm sự thật cho rằng để giúp hai con hòa nhập cuộc sống mới là điều không dễ, nó khiến cuộc sống hai gia đình đảo lộn suốt một năm qua.
"Hạnh phúc vì có được thêm một người con, nhưng nó cũng khiến mình phải làm việc nhiều hơn chút để chăm lo tốt hơn cho các cháu", anh chia sẻ.
Gia đình 29 năm nuôi nhầm con ở Hà Nội
Ngày 12/12/1987, bà Phan Thị Tuyết Hoa tới nhà hộ sinh quận Đống Đa chờ đẻ. Sinh con lúc 4h35 cùng ngày, bà chỉ được nghe người đỡ thông báo sinh bé gái.
8h ngày 12/12, bà mới trông thấy con sau 4 tiếng chờ mòn mỏi. Nhận con từ tay chồng, bà Hoa nhìn thấy số ghi trên đùi con mờ. Quay sang hỏi về việc này thì ông nói do con vừa đi tắm, thay tã nên số mờ đi. Không mảy may suy nghĩ, người phụ nữ năm xưa đem con về nuôi nấng trong tình yêu thương hết mực.
Bà đặt tên con gái là Lê Thanh Hiền. Từ nhỏ, mọi người trong họ vẫn hay bông đùa Hiền là con nuôi bởi ngoại hình, tính cách khác so với các thành viên còn lại trong gia đình bà Hoa.
Lấy chồng rồi sinh 2 con vào các năm 2007 và 2010, kết quả xét nghiệm trước khi lâm bồn cho thấy chị Hiền thuộc nhóm máu B.Trong một lần tình cờ nhìn sổ khám của bố, chị bất ngờ khi thấy ông mang nhóm máu O.
Xâu chuỗi các câu chuyện từ lời trêu trọc thường nghe lúc nhỏ đến sự khác biệt trong nhóm máu, người phụ nữ này quyết định đi giám định ADN.
Ngày 5/5/2013, chị giấu cả nhà đến Viện khoa học hình sự - Bộ Công an để làm các xét nghiệm.Một tuần sau khi biết kết quả, chị Hiền quyết định báo với mẹ.
Dù đã trấn an tinh thần người nuôi dưỡng mình gần 30 năm và dặn lòng bản thân phải kiềm chế, nhưng cả 2 người phụ nữ đều xúc động tột cùng. Bà Hoa không tin rằng đứa con gái chăm bẵm từ tấm bé lại không cùng huyết thống.
Ông Lê Văn Chung (bố chị Hiền) sau đó yêu cầu mọi người trong gia đình đi xét nghiệm máu. Kết quả cho thấy, cả nhà mang nhóm máu O, chỉ riêng chị Hiền là B.
Chị Lê Thanh Hiền và mẹ đã nghĩ đến nguy cơ trao nhầm con khi người mẹ sinh nở ở Nhà hộ sinh Đống Đa. Chị Hiền đã nhờ luật sư giúp đỡ và được cung cấp thông tin về 6 ca sinh tại đây từ ngày 9/12/1987 đến ngày 12/12/1987.
Có 6 đứa bé (tính cả chị Lê Thanh Hiền) chào đời trong khoảng thời gian này; tuy nhiên thông tin về các bà mẹ và địa chỉ của họ đều rất mơ hồ và đến nay đã thay đổi.
Trao nhầm con ở Quảng Ngãi: Sản phụ may mắn tìm được con sau nửa giờ tìm kiếm trong viện
Tháng 12/2011, sản phụ Trần Thị Hồng Cẩm (thôn 3, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) được đưa vào Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi chuẩn bị sinh con. Trước đó, chị đi siêu âm cho kết quả thai nhi con gái.
Tuy nhiên khi đẻ xong, mẹ con được đưa về phòng thì là bé trai. Gia đình thắc mắc, được các y sĩ khoa Sản, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi giải thích có thể siêu âm cho kết quả nhầm.
Tuy nhiên, trong lúc làm thủ tục xuất viện, gia đình chị Cẩm phát hiện giấy chứng sinh ghi rõ ràng ngày, giờ và giới tính của đứa trẻ là bé gái chứ không phải bé trai. Ngay lập tức, những người thân của chị Cẩm tỏa ra, lần tìm đứa con của mình ở khu vực hậu sản, khoa Sản.
Sau gần nửa giờ tìm khắp nơi, bà ngoại của bé mới vui mừng phát hiện cháu đang nằm bên mẹ người dân tộc H're ở phòng 14. Bé đeo tất, mặc quần áo hệt những thứ bà đã chuẩn bị trước đó. Gia đình liền cấp báo vụ việc với bệnh viện.
Trao nhầm con ở Hà Nội: Con gái tìm được mẹ sau 43 năm
Gia đình chị Trang và bà Hạnh
Ngày 10/10/1974, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh sinh con gái ở nhà hộ sinh quận Ba Đình. Những đứa trẻ được đánh số, cùng với số người mẹ. Bà Hạnh mang số 33, nhưng nhận được đứa trẻ mang số 32.
Người mẹ hỏi nhân viên y tế thì người này cho rằng trong lúc tắm rửa số đánh dấu bị mờ. Khi bà ra tìm thì những đứa trẻ đánh số gần cạnh đều đã được gia đình đưa về hết.
Ôm đứa con về nhưng bà Hạnh luôn canh cánh trong lòng, dù vậy đứa con nhận “nhầm” vẫn được gia đình hết mực thương yêu. Tuy nhiên, khi tuổi già, chồng mất bà Hạnh lại mong muốn tìm lại đứa con bị thất lạc từ lâu nhưng vẫn chưa rõ tung tích.
Trong khi đó, con gái bị trao nhầm của bà là chị Tạ Thu Trang cũng mong muốn tìm lại được cội nguồn của mình. Sau đó, cả gia đình quyết định đưa sự việc tới công chúng để mong tìm lại người thân thật sự của mình
Gia đình bà Hạnh (65 tuổi, ở đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đã nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người con gái bị trao nhầm lúc mới sinh từ 42 năm trước.
Sáng 23/10, người thân chị Trang xác nhận, chị đã tìm thấy bố mẹ đẻ của mình sau 40 năm thất lạc.
Chia sẻ về hành trình tìm người thân của mình, chị Trang bày tỏ, nhờ truyền thông, truyền hình mà chị tìm thấy bố mẹ đẻ của mình chỉ sau 3 tháng.
Chị Tạ Thu Trang cho biết, đến bây giờ vẫn không tin đây là sự thật. Con gái bà Hạnh hiện đang sinh sống tại phố Huế. Còn bố đẻ chị Trang sinh cống tại Đà Nẵng.
Bệnh viện trao nhầm con ở Đồng Nai: "Linh tính'' mách bảo người mẹ bị trao nhầm con
Một vụ trao nhầm con hi hữu cuối năm 2012 tại Long Khánh, Đồng Nai từng gây xôn xao dư luận. Sau khi sinh con và nhận con, chị Thu đã thấy có sự nhầm lẫn.
Trước đó, chị Thu (huyện Cẩm Mỹ) và chị Tuyết (huyện Xuân Lộc) cùng nhập viện và được mổ cấp cứu cùng lúc. Sau khi nhận con, cả nhà chị Thu lẫn nhà chị Tuyết đều nghi ngờ có sự nhầm lẫn vì giới tính của em bé được bệnh viện trao không giống như kết quả siêu âm khi mang bầu.
Sau khi về nhà gần 3 tháng, cả nhà chị Thu thấy em bé không giống với các thành viên khác trong gia đình. Chị Thu đã gọi điện lại cho chị Tuyết và cùng mang con đi làm xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy, đúng là hai em bé đã bị trao nhầm.
Mai ChiBạn đang xem bài viết Những vụ trao nhầm con hy hữu ở Việt Nam và bi kịch gia đình phía sau tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].