Bác sĩ Shigeaki Hinohara được biết tới là người góp phần xây dựng nền tảng cho y học Nhật và có công lớn trong việc đưa Nhật thành nước có tuổi thọ dân số cao nhất thế giới.
Vị bác sĩ 106 tuổi (1911 - 2017) này đã đúc kết được một vài bí quyết để có được một cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài.
Dưới đây là bí quyết trường thọ được vị bác sĩ nổi tiếng 106 tuổi chia sẻ với tờ Japan Times:
1. Làm việc không ngơi nghỉ
Trong lần trả lời phỏng vấn với tờ Japan Times, ông Shigeaki Hinohara cho rằng, chúng ta cần làm việc không ngưng nghỉ. Và nếu buộc phải nghỉ, hãy nghỉ hưu sau tuổi 65.
Ông là minh chứng cụ thể nhất cho lời nói của mình. Ở độ tuổi 105, ông vẫn điều trị cho bệnh nhân, giữ một cuốn sổ đặt lịch cho 5 năm tiếp theo và làm việc 18 tiếng/ngày và cống hiến cho xã hội cho tới những giây phút cuối đời.
2. Ít bận tâm tới việc ăn/ngủ, vui cười nhiều
“Tuổi thơ trẻ, mỗi khi chúng ta chơi vui, chúng ta thường quên mất việc ăn và việc ngủ. Chúng ta có thể giữ thái độ này khi lớn lên. Tốt nhất là không ràng buộc bản thân với quá nhiều luật lệ như bữa trưa, giờ đi ngủ tối”.
3. Muốn sống lâu, đừng béo
Theo ông Shigeaki Hinohara, việc giữ gìn cân nặng trong ngưỡng cho phép là một trong nhiều yếu tố giúp kéo dài tuổi thọ.
“Tất cả mọi người sống lâu, bất kể là quốc tịch, chủng tộc, giới tính nào, đều có một điểm chung: họ không béo”.
Vị bác sĩ 105 tuổi này có một chế độ ăn uống rất khoa học để giữ cân nặng không vượt quá mức cho phép: “Buổi sáng tôi uống cà phê, một cốc sữa hoặc nước cam ép với một thìa dầu oliu. Dầu oliu rất tốt cho động mạch và giúp da khỏe. Bữa trưa gồm sữa và một vài cái bánh quy hoặc thậm chí không ăn gì. Bữa tối gồm rau, thịt cá, cơm và 2 lần/tuần có thêm 100 gr thịt nạc”.
4. Chịu khó leo cầu thang
Duy trì tập luyện để có được một cơ thể khỏe mạnh là một bí quyết nữa được ông chia sẻ.
“Để khỏe manh, hãy leo cầu thang và mang theo đồ của mình. Tôi thường bước 2 bậc cầu thang một để các cơ bắp được vận động”.
5. Lấy niềm vui để quên cơn đau
“Cơn đau là một điều bí ẩn, và làm bản thân vui vẻ là cách tốt nhất để quên nó. Bệnh viện nên quan tâm tới nhu cầu đơn giản nhất của người bệnh: đó là được vui vẻ”.