Ngày 14/1, thông tin từ Sở Y tế Lào Cai, ở xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên có 2 trẻ em bị ngộ độc sắn. 2 em bé (một em 2 tuổi, một em 3 tuổi) ăn phải sắn cao sản và bị ngộ độc. Bé 2 tuổi đang được cấp cứu còn bé 3 tuổi không qua khỏi, đã tử vong.
Kết quả xét nghiệm của của Viện Kiểm nghiệm Quốc gia cho thấy, trong sắn cao sản mà e bé ăn có hàm lượng Cyanide lên tới 22mg/100g.
Cyanide là một trong những chất độc nhất trên thế giới. Độc tố này có nhiều trong vỏ, ruột, lá sắn. Khi vào cơ thể, nó làm tế bào không hấp thụ được oxy, gây ngạt tế bào, khiến bệnh nhân khó thở, suy hô hấp, hôn mê, trụy tim mạch. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Khi ăn sắn, nếu thấy các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, sôi bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy), rối loạn thần kinh (váng đầu, nóng bừng mặt, ù tai, chóng mặt, ngứa ngáy, chân tay nặng, run, co giật…), có trường hợp sốt, ho… thì đó là biểu hiện của ngộ độc sắn.
Sở Y tế Lào Cai cho hay, hiện sắn cao sản đang vào vụ thu hoạch chính. Rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh trồng loại sắn này, bán cho các xưởng chế biến thành tinh bột, xuất khẩu sang Trung Quốc.
Để phòng chống ngộ độc, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai khuyến cáo người dân không nên sử dụng sắn cao sản để chế biến thành thực phẩm.
Đối với các loại sắn thông thường khác, cần chế biến ngay khi dỡ sắn về. Nếu chế biến không kịp, phải vùi sắn xuống đất; trước khi chế biến cần lột hết vỏ sắn rồi ngâm vào nước (nước vo gạo càng tốt).
Khi luộc sắn, mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt, nếu thấy có vị đắng không nên ăn. Tốt nhất là ăn sắn luộc với các loại đường để trung hòa bớt chất độc. Không nên ăn sắn luộc vào buổi tối vì nếu ngộ độc, nạn nhân đang ngủ sẽ khó phát hiện. Không nên trồng sắn gần cây xoan.
Khi bị ngộ độc sắn (say sắn), trước hết cần gây nôn cho bệnh nhân, sau đó cho uống nước đường, nước mía và chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.
V.LinhBạn đang xem bài viết Ăn sắn luộc, bé 3 tuổi ngộ độc qua đời tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].