Việt Nam có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, đối diện với gánh nặng bệnh tật kép

Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới.

Xem thêm

Năm 2017, số người cao tuổi chiếm 11,9% trong tổng số dân số, có nghĩa là cứ 9 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên.

Theo dự báo của Tổng cục thống kê, đến năm 2038, nhóm đó dân số từ 60 tuổi trở lên khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số.

Cũng theo dự báo này, từ năm 2038, dân số trong độ tuổi lao động bắt đầu giảm và sự biến động dân số này sẽ tác động bất lợi tới phát triển kinh tế xã hội, nếu không có chính sách phù hợp.

Người cao tuổi Việt Nam đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh mạn tính cùng một lúc. Ảnh minh họa

Việt Nam đang già hóa nhanh chóng, ngày càng nhiều người cao tuổi. Phần lớn người cao tuổi (80%) vẫn đang trong độ tuổi trẻ và trung bình, ngày càng sống thọ và khỏe mạnh hơn.

Tuy nhiên, các chuẩn mực, thái độ, cấu trúc, chính sách và thực hành không phải lúc nào cũng theo kịp với thực tế này.

Đặc biệt, các định kiến và thái độ tiêu cực coi người cao tuổi như là những người già yếu, không được đụng đến, là gánh nặng hoặc phụ thuộc đang rất phổ biến. Điều đó dẫn đến phân biệt đối xử về tuổi tác.

Xu hướng già hóa dân số là tất yếu, chính vì vậy Việt Nam cần có các can thiệp chính sách kịp thời để duy trì cơ cấu dân số hợp lý.

Bên cạnh đó, xu hướng nữ hóa dân số cao tuổi cũng diễn ra ở tất cả quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, đòi hỏi các chính sách, chương trình thích ứng với già hóa dân số đều phải tính đến yếu tố giới và nhu cầu khác biệt về giới trong dân số cao tuổi.

Tại buổi tọa đàm “Thích ứng với già hóa dân số nhanh ở Việt Nam: Con đường phía trước” nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10/2018, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội nhấn mạnh: “Tuổi thọ cao là một thành quả của sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, chứ không phải là gánh nặng của xã hội hay nền kinh tế.

Nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi, chúng ta hãy cam kết đảm bảo cho cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc của người cao tuổi và tạo điều kiện cho sự tham gia có ý nghĩ của họ trong xã hội để tận dụng được những kinh nghiệm và kiến thức quý báu của người cao tuổi”.

Người cao tuổi Việt Nam cũng đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bị nhiều bệnh một lúc, đặc biệt là các bệnh mãn tính (tiểu đường, huyết áp…).

Đa số người cao tuổi gặp khó khăn về vật chất, trong khi đó, hệ thống an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi; chưa có hệ thống cung ứng việc làm cho người cao tuổi…

Do đó, vấn đề thích ứng với già hóa dân số cần được coi là một vấn đề ưu tiên và đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để chuẩn bị cho xã hội già trong tương lai không xa.

L.Minh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan