Cứ đêm về, gần hoặc trong cơn ngủ, cháu ho 2 - 3 cơn, mỗi cơn vài tiếng, thi thoảng có nôn - trớ chút thức ăn.Tôi tìm hiểu trên mạng, người ta có nói biểu hiện giống triệu chứng “ho ngang” ở trẻ.
Hỏi: Bé con nhà tôi 2 tuổi, nặng 16 kg. Trước kia cháu sinh non thiếu tháng nên sức đề kháng hơi yếu, hay mắc bệnh liên quan đến đường hô hấp. Khoảng một tuần nay, cháu có triệu chứng ho về đêm nhưng không sốt, không quấy khóc. Cứ đêm về, gần hoặc trong cơn ngủ, cháu ho 2 - 3 cơn, mỗi cơn vài tiếng, thi thoảng có nôn - trớ chút thức ăn. Tôi tìm hiểu trên mạng, người ta có nói biểu hiện giống triệu chứng “ho ngang” ở trẻ, tuy nhiên tài liệu khá ít. Tôi mong bác sĩ tư vấn.
(Chị Hoàng Thu Minh - Ngách 26/256 Cầu Giấy, Hà Nội)
BS Trương Hữu Khanh - Bệnh viện nhi đồng TP HCM cho biết: Ở trẻ em hay có hiện tượng ho nhiều về đêm, đó là chứng ho mà rất nhiều trẻ em hay gặp phải và bố mẹ cũng hay phàn nàn về chứng ho này ở con với bác sĩ: “Tại sao con tôi ban ngày không ho?”
Sở dĩ trẻ ho nhiều vào đêm vì ban ngày, các bé chạy nhảy ở tư thế đứng thì tất cả các dịch tiết có thể là do được chảy ra nước mũi phía trước, hoặc là do bé nuốt phải nó xuống dạ dày và tiêu hóa được đi. Thế nhưng tới đêm đi ngủ, các cái dịch tiết này vẫn chảy xuống và nó chảy xuống thành sau họng và em bé bị ho là phản xạ rất tự nhiên để đẩy các cái chất nhầy ra ngoài.
Thế nhưng ho về đêm có nhiều nguyên nhân và là dấu hiệu của một số bệnh khác nhau. Có khả năng em bé bị viêm VA hoặc là viêm mũi xoang, nặng hơn là viêm phổi, hen phế quản…
Song ở đây còn một nguyên nhân khác mà tôi muốn đặc biệt lưu ý là có những em bé mà cơ thể đang phát triển, chưa phát triển hoàn chỉnh, các van dạ dày chưa khép kín dẫn đến hiện tượng trào ngược dạ dày khi nằm ngủ và từ đó gây ho. Ho lúc ngủ sặc lên từng cơn dẫn đến trẻ bị nôn trớ (nhưng không kèm theo hiện tượng sốt). Đây cũng chính là chứng “ho ngang” như chị hỏi. “Ho ngang” tức là trẻ ho ở tư thế nằm.
Để xảy ra tình trạng trên bắt nguồn từ việc van dạ dày của trẻ không tốt hoặc do thói quen cho trẻ ăn uống sát giờ ngủ (vì có bố mẹ quan niệm cho trẻ ăn thêm bữa muộn với mục đích tăng cân). Dẫn đến thức ăn không tiêu hoá kịp nên tiết ra nhiều hơn trong giấc ngủ, gây ứ, trướng dạ dày. Sau một thời gian dài ăn uống đêm liên tục, các cơ của dạ dày bé suy yếu, không khép kín được miệng trên của dạ dày, tạo đều kiện cho các chất dịch ứ trong dạ dày trào ngược lên thực quản, rỉ ra họng, tràn vào thanh quản gây ho sặc từng cơn.
Vì thế, để tránh cho trẻ bị “ho ngang”, bộ mẹ cần cho con ăn sớm ít nhất là 1 tiếng trước khi cho đi ngủ, không cho trẻ ăn quá no. Đối với những trẻ dễ bị “ho ngang”, tức ho săc sụa, kèm theo nôn trớ ít hay nhiều thì khi cho con ngủ cần kê cao gối sao cho đầu và vai của con cao hơn thân nhằm ngăn đờm nhớt hay nước mũi ứ dịch ở cổ họng, thực quản.
Khi thấy con bị ho đêm, các bố mẹ có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian để giúp con bớt ho tránh mất giấc ngủ bằng việc xịt rửa vệ sinh mũi sạch sẽ trước khi ngủ. Cho trẻ ngậm mật ong với quất, mật ong với lá húng chanh, lá hẹ... chắt lấy nước cho con uống ngày 3 - 4 lần hoặc dùng siro/ viên ngậm ho làm từ thảo dược. Những cách này giúp làm cơn ho dịu đi và giúp con ngủ ngon hơn.
Tuy nhiên, nếu tình trạng bị ho đêm kéo dài hơn 5 ngày (kể cả trẻ con và người lớn), kèm theo các triệu chứng như sổ mũi, ho sâu, khó thở, đau bụng..., người bệnh cần phải được đi khám chuyên khoa để được dùng thuốc và tư vấn cách trị bệnh hiệu quả, không được tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.