Vì sao sống trong phòng có điều hòa làm tăng nguy cơ mắc bệnh sởi?

“Tốc độ lây nhiễm của bệnh sởi rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín (phòng có điều hòa nhiệt độ) thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh” - BSCKII Khổng Minh Tuấn.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng gây dịch và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.

Theo BSCKII Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, trẻ em mắc bệnh sởi nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng và phụ nữ có thai.

Phụ nữ khi mang thai mắc bệnh sởi có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, hoặc trẻ bị nhẹ cân.

Bệnh sởi do vi rút sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra và khuếch tán trong không khí khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân.

Sống trong môi trường khép kín, phòng có điều hòa làm tăng nguy cơ mắc sởi. Ảnh minh họa

Tốc độ lây nhiễm của bệnh sởi rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín (phòng có điều hòa nhiệt độ) thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.

Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi do chưa được tiêm phòng hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đầy đủ. Bệnh có thể xuất hiện ở người lớn.

Biểu hiện đặc trưng của bệnh sởi là sốt, viêm long đường hô hấp (ho, chảy nước mũi), viêm kết mạc và phát ban. Ban của bệnh sởi mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, xuống thân mình rồi đến tay, chân.

Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Những người sống ở nơi có mật độ dân số quá cao, trong điều kiện khép kín cũng là yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.

Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất để chủ động phòng bệnh sởi. Việc tiêm vắc xin bao gồm tiêm chủng thường xuyên theo độ tuổi và tiêm chủng theo chiến dịch khi có nguy cơ bùng phát dịch.

Cụ thể, trẻ em tiêm đủ 2 mũi, mũi thứ nhất khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi trẻ 18 tháng tuổi. Phụ nữ tuổi sinh đẻ cũng nên tiêm vắc xin sởi trước khi có ý định sinh con.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế sớm để kịp thời khám, điều trị phòng các biến chứng và phòng lây nhiễm cho cộng đồng.

Hiện nay, tất cả các phòng khám đa khoa, các bệnh viện huyện đều có thể điều trị bệnh cho những trẻ mắc sởi ở thể nhẹ hoặc các bệnh thông thường khác, các gia đình nên hạn chế chuyển trẻ lên bệnh viện tuyến trên nơi đang điều trị các ca sởi nặng, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Bệnh sởi rất dễ lây, cần hạn chế tập trung đông người, không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi.

Thường xuyên vệ sinh, tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Sử dụng biện pháp bảo vệ cá nhân như dùng khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.

M.Tuấn/giadinhmoi.vn

Tin liên quan