26 tuổi, Nguyễn Mỹ Linh (TP. Hồ Chí Minh), có thu nhập ổn định từ nghề dẫn chương trình, chưa nghĩ đến chuyện kết hôn vì ‘muốn ưu tiên cho sự nghiệp’. Cô nói ‘Bạn bè xung quanh em nhiều người kết hôn sớm nhưng cũng li hôn không lâu sau đó’.
Còn với Gia Bảo – một bạn nam là nhân viên thiết kế đồ họa – thì việc sinh con không nằm trong kế hoạch 5 năm tới, vì “Chưa có gì hết, bản thân còn phải đi thuê nhà trọ, cưới về ở đâu?”.
Không riêng Mỹ Linh hay Gia Bảo, ngày càng nhiều người trẻ chọn sống độc thân, kết hôn muộn, hoặc không có ý định sinh con.
Nguyễn Mỹ Linh (TP. HCM) ưu tiên phát triển sự nghiệp với nghề MC.
Càng ở thành phố lớn, người trẻ càng chậm kết hôn
Xu hướng kết hôn muộn đang ngày càng phổ biến, nhất là tại các đô thị lớn, nơi mà người trẻ thường phải đối mặt với nhiều áp lực, từ vấn đề tài chính, sự nghiệp, chuyện mua nhà ở, đến áp lực ‘đồng trang lứa’. Gia Bảo nói: ‘Con trai tụi mình bị áp lực phải thành công. Là đàn ông phải ‘lo’ được cho người yêu mình, chứ chưa nói đến vợ con’.
Người trẻ trì hoãn kết hôn vì còn tập trung kiếm tiền, chạy đua với deadline công việc, hoặc đơn giản là chưa cảm thấy đủ ổn định để lập gia đình.
“Áp lực lớn nhất là bản thân phải có tài chính vững vàng và một trạng thái hoàn toàn sẵn sàng về cả tinh thần lẫn thể chất khi tiến vào hôn nhân’ - Huyền Trang (25 tuổi), làm việc trong ngành truyền thông, chia sẻ.
Theo số liệu từ Cục Dân số TP.HCM, mức sinh tại thành phố hiện đang thấp nhất cả nước, ở mức dưới 1,32 con/phụ nữ - thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1 con/ phụ nữ. Đáng chú ý, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP.HCM là 30,4 tuổi - mức cao nhất cả nước và lần đầu tiên vượt mốc 30 tuổi.
Trì hoãn kết hôn tất yếu dẫn đến việc sinh con muộn - thậm chí không sinh hoặc sinh ít con. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến mức sinh tại TP.HCM liên tục giảm qua các năm.
Huyền Trang: Áp lực lớn nhất nhất là phải có tài chính vững vàng…
Nỗi niềm người trẻ ‘ngại cưới, lười sinh’
‘Giới trẻ kết hôn muộn, một phần nguyên nhân quan trọng là do chưa ổn định về thu nhập, còn phải lo cơm áo gạo tiền, khi mà giá cả, chi phí mọi thứ đều tăng’ – Mỹ Linh chia sẻ: ‘Với lại hồi xưa, thời của ba mẹ mình mọi người có thể kết hôn kể cả khi còn nghèo, nhưng giờ xã hội đã khác, người trẻ cũng có yêu cầu cao hơn’.
‘Lương hai đứa gộp lại gần 30 triệu nhưng vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện mua nhà, sinh con thì càng xa vời hơn’ – Thanh Vân (32 tuổi, nhân viên kế toán tại TP.HCM) tâm sự. Cô và bạn trai đã yêu nhau gần 6 năm, sống chung được 2 năm, nhưng kế hoạch kết hôn thì vẫn... để đó.
Vân kể, mỗi tháng sau khi trả tiền thuê nhà, ăn uống sinh hoạt, gửi về quê phụ giúp cha mẹ thì số còn dư cũng không nhiều. ‘Ở thành phố, đụng đến gì cũng tiền. Cưới xong là gánh thêm lo, chứ không phải là bớt đi gánh nặng’ - Vân than thở.
Nỗi lo ấy không phải cá biệt. Trong một bài viết đang lan truyền trên mạng xã hội, một người dùng facebook nhận định: ‘Nhiều người trẻ ngại cưới và lười sinh con – đó là hệ quả của một thị trường lao động yếu đi, thiếu công ăn việc làm và thu nhập không đủ để lo cho một gia đình, nếu có con’.
Nhận định này gây ra những tranh cãi trái chiều trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận vào thực tế rằng đây không phải là vấn đề chỉ của riêng Việt Nam.
Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều đang đối mặt với mức sinh cực thấp, dân số già hóa nhanh. Một phần nguyên nhân đến từ chính những điều mà người trẻ Việt đang trải qua: giá nhà cao, chi phí sống leo thang, lạm phát, áp lực cạnh tranh, và thị trường việc làm ngày càng bấp bênh.
Lý do khác khiến người trẻ chậm cưới, lười sinh
Ngoài những áp lực kinh tế, lối sống cá nhân hóa và xu hướng đề cao tự do cá nhân cũng là một phần nguyên nhân khiến nhiều người trẻ ngại kết hôn.
Họ muốn đi du lịch, học thêm, thử nhiều nghề, sống theo nhịp riêng – và lo ngại rằng lập gia đình quá sớm sẽ ‘đóng khung’ cuộc sống vào những khuôn mẫu trách nhiệm.
Huyền Trang chia sẻ thẳng thắn: ‘Bản thân Trang không đặt nặng vấn đề kết hôn sớm hay muộn. Để kết hôn thì tất nhiên mình phải cảm thấy được yêu thương và thấu hiểu. Quan trọng nhất là cùng tần số và người đó phải luôn có chí cầu tiến’.
‘Mình thấy sống độc thân như hiện tại cũng thoải mái, còn muốn kết hôn là phải nỗ lực hơn nhiều: nỗ lực để có tài chính ổn định, nỗ lực để hoàn thiện bản thân về nhiều mặt. Tại vì bây giờ, các bạn gái cũng yêu cầu cao lắm, mà mình thì đang muốn tự do hơn.’- Gia Bảo cười nói.
Nhiều người trẻ khác cũng có chung suy nghĩ: hạnh phúc không nhất thiết phải gắn với hôn nhân hay con cái. Họ coi sự tự chủ – về thời gian, tài chính, cảm xúc – là ưu tiên lớn hơn trong giai đoạn hiện tại.
‘Thực ra, sau nhiều năm phấn đấu cho sự nghiệp, giờ em thấy rằng việc lập gia đình cũng rất quan trọng’,– Mỹ Linh chia sẻ. ‘Nhưng với người trẻ tụi em, kết hôn không nhất thiết gắn với nghĩa vụ sinh con đẻ cái. Mà là tìm được một người đồng hành, tận hưởng cuộc sống, đi du lịch cùng nhau…’.
Dù mỗi người có lựa chọn sống khác nhau, câu hỏi đặt ra là: Xã hội sẽ chịu ảnh hưởng ra sao khi những lựa chọn ấy không còn là thiểu số?
Phía sau xu hướng xã hội ấy, không đơn thuần là lựa chọn cá nhân, mà còn là hệ quả của thời cuộc – với những tác động từ đời sống kinh tế, thị trường lao động, cùng các kỳ vọng, áp lực xã hội mà người trẻ đang phải đối mặt.