Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao da bàn tay, chân lại có hiện tượng 'nhăn như quả táo tàu' sau khi tiếp xúc với nước lâu chưa?
Trước kia, người ta vẫn tin rằng da tay, chân bị nhăn nheo khi ngâm nước lâu là do hiện tượng thẩm thấu, nghĩa là lớp da ngoài cùng hấp thụ, căng phồng nước. Cũng giống như những miếng bọt biển bị căng nước rồi biến thành một hình dạng ngẫu nhiên nào đó.
Thế nhưng lập luận này lại bị bác bỏ, vì chỉ có da trong lòng bàn tay, chân bị nhăn, còn da ở các vùng khác trên cơ thể vẫn bình thường, dù có nhúng nước lâu đến đâu đi nữa.
Lý giải về hiện tượng thú vị này, một nhóm các nhà khoa học thuộc tổ chức nghiên cứu độc lập tại Idaho (Mỹ), chuyên nghiên cứu về khả năng nhận thức và sự tiến hóa của con người đã quyết tâm tìm ra sự thật.
Hóa ra việc các ngón tay, chân bị nhăn nheo là sản phẩm của hệ thần kinh là co rút các tế bào máu phía dưới da, dẫn đến việc xuất hiện các vết nhăn chằng chịt.
Một thí nghiệm chứng minh hiện tượng này được tiến hành trên các bệnh nhân bị tổn thương thần kinh ở ngón tay, kết quả cho thấy họ đều “miễn nhiễm” với việc nhăn nheo khi tiếp xúc với nước.
Theo các nhà khoa học, những vết nhăn sẽ làm cải thiện độ bám dính của tay, chân với bề mặt tiếp xúc trong điều kiện ẩm ướt. Hãy tưởng tượng da tay chân của chúng ta lúc đó cũng giống như những rãnh trên lốp xe, tác dụng của chúng là tăng diện tích tiếp xúc, giúp lốp xe bám chắc hơn vào mặt đường.
Trong khi đó, những khe giữa vết nhăn lại mang chức năng xả nước, tránh nước bám trên bề mặt da tay làm trơn trượt.
Các nhà khoa học cũng đặt ra giả thuyết hiện tượng da nhăn nheo này chính là một đặc điểm tiến hóa của loài người, làm tăng khả năng thu lượm thực phẩm từ cây cối ẩm ướt hoặc sông suối.
Vậy nên da bàn tay, bàn chân trở nên nhăn nhúm khi tiếp xúc với nước lâu là một chuyện hết sức bình thường, không có gì phải lo lắng cả.