Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, hiện bệnh viện này đang có khoảng hơn 200 bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị nội trú.
Trong khi đó, khoa chỉ có 150 giường bệnh nên phải kê thêm giường ở khu khác để tiếp nhận bệnh nhi.
Các y bác sĩ của khoa đang rất bận rộn để điều trị bệnh. Chia sẻ trên trang facebook cá nhân của mình, bác sĩ Khanh viết: “Ngộp – te tua – tơi tả - đàn em – học trò chuẩn bị biết thế nào là tay chân miệng năm 2011”.
Trước đó, năm 2011 được cho là năm có số ca mắc và tử vong do bệnh tay chân miệng cao nhất từ trước đến nay với khoảng 66 nghìn trường hợp mắc bệnh ở hầu hết các địa phương trong cả nước, với hàng trăm ca tử vong.
Trong đó có nhiều trường hợp người lớn được phát hiện mang virus bệnh tay chân miệng.
Người lớn mang virus không có những biểu hiện đặc trưng của bệnh tay chân miệng mà chỉ có những triệu chứng về hô hấp và tim mạch, khiến bệnh khó được phát hiện, dễ lây lan và khó kiểm soát.
Hiện, toàn TP.HCM đã có hơn 3 nghìn trường hợp mắc. Theo các chuyên gia y tế, đây là thời điểm bệnh tay chân miệng gia tăng nhanh, nếu không kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây lan bệnh cho cộng đồng sẽ rất lớn.
Còn tại Hà Nội, trong tuần qua cũng ghi nhận 46 trường hợp mắc tay chân miệng. Như vậy, từ đầu năm đến nay, thành phố Hà Nội đã có 1.586 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại các xã, phường, thị trấn của 30 quận, huyện, thị xã.
Để phòng bệnh, bác sĩ Khanh khuyến cáo trẻ em, người lớn cần giữ vệ sinh, cách ly trẻ bệnh không cho đến trường, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ sạch sẽ.
Cách phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ tốt nhất là cả cha mẹ và trẻ phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước nhiều lần trong ngày.
Bàn tay của cha mẹ hay người chăm trẻ cũng cần phải rửa sạch bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay bỉm, tã…
Bạn đang xem bài viết Nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện tăng đột biến tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].