Vượt ra khỏi thiết kế bền vững đơn thuần, đặt nền tảng cho "vành đai sáng tạo"
Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam (VFCD) 2024 do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS), với đơn vị đồng hành gồm Cộng đồng Thiết kế nội thất trẻ Việt Nam (YIDC) và Viral Town, cùng nhiều cá nhân, nhóm, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.
Chuỗi sự kiện nhằm kiến tạo một nền tảng tương tác cởi mở, hiệu quả và đúng thời điểm để các cá nhân và tổ chức sáng tạo trao đổi, chia sẻ với khán giả qua cả hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp.
Phát biểu khai mạc VFCD 2024, Phó Giáo sư Donna Cleveland, Quyền Trưởng Khoa Truyền thông & Thiết kế, RMIT Việt Nam chia sẻ: "Năm nay, chúng tôi chọn chủ đề Tái tạo vì tin rằng đã đến lúc chúng ta cần vượt ra khỏi thiết kế bền vững đơn thuần để hướng tới một phương pháp kết hợp giữa tư duy thiết kế, các giải pháp dựa trên thiên nhiên và hiểu biết khoa học. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra và khám phá các giải pháp dung hòa được nhu cầu của cả cộng đồng địa phương và toàn cầu, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường xung quanh”.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định: "Liên hoan đã trở thành một nền tảng sáng tạo tiên phong dành cho tất cả mọi cá nhân, mọi tổ chức, nhóm và cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo ở trên cả nước. Sự khác biệt về cách tiếp cận, hướng đến việc biểu thị và tôn vinh năng lực sáng tạo của các cá nhân, cộng đồng và tổ chức ở Việt Nam, đã mang lại cho Liên hoan một vị trí nhất định trong bối cảnh văn hoá và sáng tạo ở nước ta thời gian qua.
Với chuỗi hoạt động sáng tạo, VFCD trở thành chất xúc tác hỗ trợ hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược thuộc Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Liên hoan cũng góp phần đặt nền tảng cho một "vành đai sáng tạo" trên khắp cả nước, thúc đẩy việc mở rộng Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO tại Việt Nam.
Tiếp cận 3 lĩnh vực mới mẻ với nhiều hoạt động phong phú
Năm nay, Liên hoan có chủ đề TÁI TẠO, đề cập trực tiếp tới ba lĩnh vực trọng tâm: Môi trường, Cộng đồng & Không gian, Văn hóa & Di sản. Các vấn đề này được đề cập dưới cách tiếp cận mới mẻ: Tái tạo một cách sáng tạo và bền vững sẽ tạo ra nhiều khả năng và cơ hội hơn nữa trong mọi phương diện đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội và môi trường của mỗi chúng ta.
Tầm quan trọng của tái tạo nằm ở tiềm năng biến đổi và tạo ra các sản phẩm xanh, khơi dậy các cộng đồng hoặc các không gian xanh sống động, bền vững, có khả năng phục hồi trước những đổi thay.
Xuyên suốt Liên hoan, khách tham quan sẽ được thưởng lãm hai phiên trưng bày mang thông điệp thiết thực bao trùm toàn bộ sự kiện với tên gọi Tái tạo và Đây/ đó - Kiến tạo kết nối: Góc nhìn đương đại về thiết kế, văn hóa và không gian. Hai không gian trưng bày này giới thiệu các dự án và vật phẩm với đa dạng góc tiếp cận cũng sẽ được trưng bày tại khuôn khổ liên hoan ở TP. Hồ Chí Minh sau đó.
VFCD 2024 tại Hà Nội nêu bật Tái tạo như một mảnh ghép quan trọng của những con đường, các không gian công cộng, vật liệu, hệ sinh thái nơi đây. Người tham gia có cơ hội khám phá thành phố Hà Nội qua góc nhìn cởi mở, đa chiều, đồng thời giao lưu cùng các nghệ sĩ, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu và những người yêu Hà Nội.
Tinh thần này thể hiện nhất quán qua nhiều hoạt động nổi bật trong 3 lĩnh vực trọng tâm gồm: cộng đồng và không gian, văn hóa và di sản, và môi trường. Phần lớn hoạt động sẽ mở cửa miễn phí cho khách tham dự.
Một số hoạt động nổi bật có thể kể đến: Đối thoại Hoán vị - Tiếp cận thiết kế kiến trúc bền vững (19/11), tour đi bộ khám phá Hà Nội (20 - 21/11), workshop Lắng nghe vật liệu - Trải nghiệm tương tác với các chất liệu tái tạo (17/11).
Hành trình của VFCD sẽ tiếp tục tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 29/11 - 5/12.
V.LinhBạn đang xem bài viết Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2024: Vượt ra khỏi thiết kế bền vững đơn thuần tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].