Bong tróc da, tay rỉ nước vàng vì tắm nước lá....

Sau khi cắt cỏ cho trâu về, bệnh nhân xuất hiện ngứa nhiều. Bệnh nhân đã đi lấy lá cây đun nước tắm nhưng không đỡ, ngứa nhiều hơn, kèm theo bong tróc da xuất hiện.

Bệnh nhân N.Đ.T với những tổn thương trên da sau khi tự tắm nước lá

Ngày 21/05/2018 Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) tiếp nhận bệnh nhân N. Đ. T (61 tuổi ở Sơn Dương – Tuyên Quang) nhập viện trong tình trạng ngứa, bong tróc da toàn thân, da đỏ nhiều lan rộng, cẳng tay hai bên rỉ nước vàng.

Bệnh nhân cho biết, sau khi đi cắt cỏ cho trâu về, ông thấy ngứa nhiều. Ông tự đun lá, mua thuốc uống nhưng nhưng người càng ngứa hơn và tay rỉ nước vàng. 

Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc trong tình trạng khá nặng do da tổn thương nhưng không điều trị kịp thời.

Bác sĩ Trần Thị Ngoan  - Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cảnh báo, khi có dấu hiệu dị ứng, mẩn ngứa, người bệnh cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị đúng. Bệnh nhân không nên tự ý tắm bằng các loại lá hay mua thuốc bên ngoài về bôi sẽ làm bệnh càng nặng hơn, gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Bác sĩ cho biết thêm, viêm da tiếp xúc là phản ứng viêm cấp hoặc mạn tính của da đối với một số yếu tố trong môi trường khi tiếp xúc với da. Hiện 1,5-5,4% dân số thế giới mắc bệnh này.

Bệnh thường có những biểu hiện như rát đỏ, mụn nước, có khi lở loét, hoại tử, ngứa, rát toàn thân hoặc vùng tiếp xúc hoặc giới hạn tổn thương rất rõ, in hình của dị nguyên.

 Theo bác sĩ, phòng bệnh viêm da tiếp xúc có  nhiều cách, trong đó, người dân nên mang găng tay, ủng, đồ bảo hộ khi tiếp xúc với các chất dễ gây dị ứng, sử dụng kem bảo vệ tác dụng tương đối tùy theo hoàn cảnh bị bệnh, hiệu quả hơn đối với viêm da tiếp xúc kích ứng. Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da, người bệnh có thể rửa vùng đó bằng nước muối, xà phòng... để ngăn không nổi thành phỏng nước, phỏng mủ. Khi bị côn trùng đốt, mọi người không nên giết côn trùng ngay trên da.


Tin liên quan