Cả Hà Nội và TP.HCM đều có thay đổi mới trong kiểm soát việc đi lại, cách ly để phòng chống dịch COVID-19. Vậy từ ngày 17/1, người từ tỉnh khác đến Hà Nội, TP.HCM cần lưu ý điều gì?
Từ hôm nay (17/11), Hà Nội tăng cường các biện pháp kiểm soát người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về Hà Nội như sau:
- Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh đi về từ khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao (cấp độ 4 và 3, tương ứng với màu đỏ và màu da cam) và các tỉnh, thành phố có số ca mắc cao như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai… cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú (có Quyết định cách ly của địa phương) trong vòng 07 ngày thay cho tự theo dõi sức khỏe tại nhà; xét nghiệm 02 lần vào ngày thứ 01 và ngày thứ 07 thay cho chỉ xét nghiệm 01 lần vào ngày thứ 01.
- Đối với những người tiêm chưa đủ liều hoặc chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 đi về từ khu vực nguy cơ cao (cấp độ 3, tương ứng màu da cam): cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 07 ngày (có Quyết định cách ly của địa phương), tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà hoặc nơi lưu trú trong vòng 07 ngày tiếp theo và luôn thực hiện biện pháp 5K; xét nghiệm 02 lần vào ngày thứ 01 và ngày thứ 07 từ khi tới Hà Nội (thay cho việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà và không chỉ định xét nghiệm).
- Những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 về Hà Nội đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): Tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 07 ngày, xét nghiệm 01 lần vào ngày thứ 01.
- Những người chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine phòng COVID-19 đi về từ khu vực nguy cơ (cấp độ 2): Tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày; xét nghiệm 02 lần vào ngày thứ 01 và ngày thứ 07.
Đặc biệt, tất cả mọi người khi đến Hà Nội phải khai báo y tế và thông báo, cam kết với chính quyền địa phương; trong suốt thời gian cách ly, tự theo dõi sức khỏe luôn thực hiện 5K.
Nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 như: Ho, sốt, đau rát họng, mất hoặc giảm khứu giác, vị giác... cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Không chỉ Hà Nội, mới đây TP. HCM cũng đã có quy định mới về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19 tại địa bàn Thành phố.
Trong đó, với việc đi lại của người dân được quy định như sau:
- Với người ở vùng cấp độ 1, cấp độ 2: Không bị hạn chế việc di chuyển, đi lại.
- Người ở vùng dịch cấp độ 3: Khi di chuyển liên tỉnh, người dân phải đáp ứng yêu cầu về tiêm vắc xin và xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế và các biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh, thành phố nơi người dân đến.
- Người ở vùng dịch có cấp độ 4: Hạn chế đi liên tỉnh; khi đi, người dân phải đáp ứng yêu cầu về tiêm vắc xin, xét nghiệm và tuân thủ các biện pháp giám sát y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế hoặc tỉnh, thành phố nơi đến.
Về vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thuỷ nội địa, hàng hải, khi cấp độ dịch đạt cấp 3 và 4, các hoạt động này sẽ bị hạn chế và kèm theo điều kiện. Trong đó, tại cấp độ 4, hoạt động vận tải bằng xe buýt, tuyến cố định, xe trung chuyển, vận chuyển khách theo hợp đồng, du lịch, vận tải khách thuỷ nội địa và hàng hải sẽ tạm ngừng.
Tương tự, đối với vận tải khách đường hàng không và đường sắt, khi cấp độ dịch đạt cấp 3 và 4, các hoạt động này cũng sẽ bị hạn chế và kèm theo điều kiện.
Trong đó, người dân khi đi lại phải đáp ứng điều kiện:
- Tiêm ít nhất 01 liều vắc xin (với vắc xin yêu cầu tiêm hai liều) sau 14 ngày hoặc đã khỏi COVID-19.
- Nếu không thể tiêm do chống chỉ định thì phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế.
- Trẻ em, nếu tham gia giao thông thì phải đi cùng người lớn đã tiêm vắc xin.
Ngoài ra, với loại hình xe ôm công nghệ chở khách thì ở các xã, phường cấp độ 1 được hoạt động nếu đáp ứng yêu cầu phòng dịch; ở cấp độ 2 thì không được hoạt động quá 50% số xe; ở cấp độ 3 và cấp độ 4 thì không được phép hoạt động.
Với xe ôm truyền thống, tại TP. HCM chỉ cho phép hoạt động ở xã, phường cấp độ 1 và đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.