Cách trả lương hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập và những cải cách về tiền lương được áp dụng từ năm 2021 hứa hẹn sẽ mang đến thay đổi lớn đối với lương công chức, viên chức.
Hiện nay, lương công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP, mức lương cơ sở tăng dần theo từng năm.
Việc thực hiện trả lương cho công chức, viên chức theo cách thức trả lương hiện nay đang có khá nhiều bất cập, hạn chế như:
- Hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh, chức vụ, năng lực của từng công chức; không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương;
- Còn mang nặng tính “cào bằng”, không tạo được động lực để công chức phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc…
Nhận thấy những bất cập, hạn chế đó, ngày 21/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW quy định về cải cách chính sách tiền lương.
Theo đó, để khắc phục những hạn chế, thiếu sót nêu trên, từ năm 2021, chính sách tiền lương có những thay đổi như sau:
- Bãi bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương hiện nay và thay thế bằng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể;
- Xây dựng bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay thế bảng lương hiện nay, đảm bảo tiền lương mới không thấp hơn mức lương hiện hưởng;
- Bãi bỏ cũng như gộp nhiều khoản phụ cấp…
Như vậy, một trong những cải cách về chính sách tiền lương từ năm 2021 là “trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm” (theo Nghị quyết 27-NQ/TW).
Theo đó, công chức, viên chức sẽ có 2 bảng lương mới được xây dựng theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo từ năm 2021 trở đi: Bảng lương chức vụ áp dụng đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo.
Thông qua đó, cần phải đảm bảo các nguyên tắc xếp lương như sau: Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị: giữ chức vụ lãnh đạo nào thì được hưởng lương theo chức vụ đó, nếu giữ nhiều chức vụ thì chỉ được hưởng mức lương chức vụ cao nhất…; cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau; điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề…
Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
Việc trả lương theo vị trí làm việc là tiền lương được trả đúng theo công sức và năng lực của công chức, viên chức mà không phải chỉ dựa vào thâm niên như hiện nay.
Như vậy, từ năm 2021, dù công chức mới được tuyển dụng nhưng có khả năng đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm thì vẫn được trả lương tương xứng với năng lực của mình.
Ngoài ra, từ năm 2021 sẽ bãi bỏ hàng loạt phụ cấp dành cho cán bộ, công chức, viên chức như: Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào trong mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).