Trong 8 lĩnh vực chuyển đổi số, Y tế được xếp ở vị trí đầu tiên

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Chương trình Chuyển đổi số y tế quốc gia - Điểm sáng 2020 sáng nay tại Hà Nội.

Sáng nay 30/12, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin Truyền thông và Văn phòng Chính phủ tổ chức chương trình Chuyển đổi số y tế quốc gia 2020.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe.

Từ tháng 6/2020, khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, toàn ngành Y tế đã tập trung triển khai việc chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ công trực tuyến, công khai y tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống COVID-19, khám chữa bệnh từ xa...

Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục nỗ lực để thực hiện các lĩnh vực trong chuyển đổi số y tế, nhằm tạo thuận lợi và phục vụ tốt nhất cho người dân.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số của Chương trình chuyển đổi số Quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ban hành thì giáo dục và y tế được xếp ở vị trí đầu tiên.

Đây là 2 lĩnh vực động chạm đến nhiều người dân nhất, độ bao phủ rộng khắp nhất, tiêu tốn nhiều ngân sách nhất, là 2 lĩnh vực nền tảng của một quốc gia phát triển. Và cũng vì thế mà chuyển đổi số sẽ phát huy hiệu quả nhất.

Bộ trưởng Hùng cũng khẳng định, chuyển đổi số y tế, hay y tế số, là sự phát triển tiếp theo của y tế điện tử, nhưng có tính đột phá. Y tế điện tử sử dụng CNTT và trọng tâm là nâng cao hiệu quả của các nhà cung cấp dịch vụ y tế, như bệnh viện, nhưng cách thức vận hành cơ bản vẫn như cũ.

Y tế số thì dùng công nghệ số là chính và trọng tâm là tập trung vào người bệnh, thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế. Bệnh nhân nay sẽ trở thành khách hàng. Dữ liệu y tế vốn bị bỏ quên thì nay sẽ trở thành tài sản lớn nhất, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khoẻ.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói về chuyển đổi số y tế.

Y tế vốn do nhà nước đầu tư là chính thì nay sẽ có thêm nguồn lực là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực y tế, riêng quí 3/2020 thì vốn đổ vào đây đã gần 7 tỷ đô la. Thí dụ như các ứng dụng sức khoẻ để người bệnh tự quản lý các bệnh mãn tính của mình do các DN phát triển. Đến cuối năm 2018, thế giới đã có thể truy nhập 250.000 các ứng dụng y tế số khác nhau, rất dễ sử dụng và phù hợp với các nhu cầu cá thể hoá của người bệnh.

Y tế số thì có thể giải được bài toán chăm sóc sức khoẻ cho mọi người, ở mọi nơi, mọi lúc và cá thể hoá. Đây là mơ ước lớn nhất của nhân loại. Chuyển đổi số y tế có thể hiện thực hoá ước mơ này.

Đại dịch COVID-19 là “cú huých trăm năm”, nhất là đối với ngành y tế. Năm 2020, ngành y tế đã có những thay đổi về chuyển đổi số nhiều hơn so với hàng chục năm trước đó. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng, Việt Nam mới có 8 bác sĩ trên một vạn dân. Bằng cách triển khai phần mềm tư vấn khám chữa bệnh từ xa, người dân ở một xã của Ninh Bình đã có thể tiếp cận được hàng ngàn bác sĩ giỏi trên toàn quốc để tư vấn 24/24h. Vậy đây có phải cách để chúng ta giải quyết một phần vấn đề thiếu bác sĩ, nhất là ở vùng sâu vùng xa không ?

Quá tải bệnh viện tuyến trên cũng là vấn đề kéo dài của ngành y tế. Tuyến trên quá tải, bệnh nhân đi xa tốn kém, đầu tư của nhà nước cho tuyến dưới không hiệu quả. Vừa qua, 1000 bệnh viện tuyến dưới đã được kết nối với các bệnh viện TW. Qua đó, các bác sĩ tuyến trên đã có thể chuẩn đoán hình ảnh từ xa, tư vấn mổ từ xa. Bà con đã không phải tập trung về Hà Nội, TP HCM và các TP lớn khác.

Chúng ta có hàng trăm ngàn bác sĩ, nếu có thể kết nối họ với các hộ gia đình, mỗi bác sĩ 200-300 hộ, thì mỗi hộ gia đình đều có thể kết nối với bác sĩ của mình, có thể tư vấn khám bệnh từ xa, và như vậy, sẽ dần tiến tới mô hình bác sĩ gia đình kiểu mới.

Kết nối hàng trăm ngàn bác sĩ tới hơn 25 triệu hộ gia đình thì phải là một nền tảng công nghệ số. Mô hình hoạt động ở đây là, nền tảng chỉ cung cấp dịch vụ kết nối và quản lý, không cung cấp dịch vụ tư vấn khám bệnh. Các bác sĩ mới là người cung cấp và chịu trách nhiệm về dịch vụ tư vấn khám bệnh.

Nền tảng tạo ra công cụ, giúp hàng ngàn bác sĩ có thể kết nối để tận dụng thời gian, tri thức và kinh nghiệm của mình cho việc tư vấn người bệnh. Và do vậy, huy động thêm các nguồn lực xã hội để hỗ trợ phát triển lĩnh vực y tế nước nhà.

Nếu như dữ liệu khám bệnh mấy chục năm qua được lưu trữ, được phân tích thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho bác sĩ mỗi lần thăm khám. Chuyển đổi số y tế sẽ giúp hình thành nên con người số y học của mỗi chúng ta.

Trên những con người số y học này thì việc khám chữa bệnh, dự báo trước, quản lý y tế quốc gia, chăm sóc y tế cá nhân hoá, v.v... sẽ có thay đổi căn bản và rất căn bản. Những giá trị mới mà nó mang lại sẽ là vô cùng to lớn cho người dân.

Chuyển đổi số càng dùng càng dùng càng rẻ, càng dùng càng giỏi. 1000 phòng thí nghiệm y tế thì giá gấp 1000 lần giá của 1 phòng thí nghiệm. Nhưng phòng thí nghiệm y tế mô phỏng mà có hàng ngàn trường y sử dụng thì giá sẽ giảm đi rất nhiều. Phòng thí nghiệm mô phỏng thì hàng ngàn người có thể dùng cùng một lúc và có thể sử dụng, thực hành sáng tạo bất kỳ khi nào.

Công nghệ số sinh ra khái niệm nền tảng. Một nền tảng dùng chung cho các bệnh viện, một nền tảng dùng chung cho mọi người bệnh. Không như trước đây, một việc như nhau, một vấn đề giống nhau nhưng được giải quyết bằng hàng ngàn phần mềm khác nhau ở các bệnh viện. Vì sử dụng nền tảng mà triển khai nhanh, mở rộng nhanh, giá trên đầu người ngày càng rẻ. Nền tảng thì dễ dùng, không phải đào tạo nhiều.

Chương trình CĐS Quốc gia coi nền tảng là giải pháp chính để đẩy nhanh CĐS. Bộ Y tế nên khởi động CĐS bằng một số nền tảng để giải quyết một số vấn đề cơ bản nhất của ngành y tế.

Chuyển đổi số cũng sẽ sáng tạo ra các tài sản vô hình. Tài sản vô hình thì vô hạn. Tài sản vô hình thì càng dùng càng không mất đi. Càng dùng càng sinh ra và càng dùng càng rẻ đi. Càng dùng thì càng thúc đẩy sinh ra những tài sản mới, giá trị mới. Các quốc gia phát triển thì tài sản vô hình là chính.

Các nguồn lực vật chất trên toàn cầu đang cạn kiệt. Đối với Việt Nam chúng ta, khi các nguồn lực vật chất còn rất hạn chế, thì việc phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình để phát triển nhanh và bền vững đất nước sẽ là con đường đúng nhất, thậm chí là duy nhất. Và CĐS y tế mà hôm nay chúng ta đang bàn và đang làm là hướng đi vô cùng tích cực để phát triển và sáng tạo các tài sản vô hình trong lĩnh vực y tế.

Bộ trưởng Hùng nhìn nhận, hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia là thể hiện quyết tâm của Bộ Y tế, của Ngành Y tế và của cá nhân đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế, truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về chuyển đổi số y tế.

Ngành Y tế cũng đã có một bản Kế hoạch hành động về chuyển đổi số y tế được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt. Sự đi đầu của ngành y tế trong chuyển đổi số sẽ mang tới những gì thuận tiện nhất, tốt đẹp nhất cho người dân, thu hẹp khảng cách tiếp cận dịch vụ y tế giữa miền xuôi và miền ngược.

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan