Trong trận đấu gặp đội tuyển Syria vừa rồi, nhiều cầu thủ Olympic Việt Nam bị chuột rút sau 120 phút thi đấu kiên cường. Trong trận bán kết gặp Hàn Quốc, các cầu thủ cần làm gì để hạn chế chuột rút?
Trong trận đối đầu với tuyển Syria tối 27/8, tiền vệ Quang Hải do căng sức đã bị chuột rút. Trong khi đó, Đức Huy sau khi thi đấu trong 120 phút đã không thể đứng dậy đi ra chào khán giả. Tiền vệ này đã cần phải nhờ đến sự trợ giúp của Văn Toàn, Anh Đức mới có thể đi được. Cầu thủ Duy Mạnh cũng bị chuột rút như hai đồng đội của mình.
TS.BS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, chuột rút là một trong những chấn thương phổ biến khi chơi bóng đá.
Theo đó, chuột rút là một hiện tượng cơ bị co rút một cách cưỡng bức, gây đau đớn. Chuột rút có thể xảy ra ở bất cứ cơ bắp nào, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là cơ ở bắp chân và bàn chân. Khi bị chuột rút, người ta có thể bị co giật nhẹ và rất đau đớn. Thông thường, chuột rút gây ra một cơn đau đột ngột, dữ dội ở cả những cơ bắp lân cận.
Chuột rút có thể kéo dài từ vài giây tới nhiều phút sau đó. Chuột rút có thể chỉ liên quan đến một phần của khối cơ, toàn bộ khối cơ, hoặc một số cơ có hoạt động liên quan tới nhau, chẳng hạn như các cơ ngón tay hoặc ngón chân liền nhau.
Sau khi vận động, chơi thể thao trong khoảng thời gian dài sẽ bị tình trạng cơ bị co rút đột ngột, gây ra cơn đau khó chịu khi vận động, thời gian kéo dài của tình trạng này khoản từ vài giây đến 15 phút.
Nếu biết cách xử lý nhanh khi xảy ra tình huống và biết được cách để hạn chế tình trạng cơ co rút đột ngột hay còn gọi là chuột rút thì không phải lo lắng khi chơi thể thao.
Nguyên nhân đầu tiên và thường gây ra tình trạng rút chuột trong thể thao là tập luyện khởi động chưa đủ, chưa đúng và chưa kỹ làm cho cơ bị co rút khi có những phản ứng hay động tác đột ngột.
Mất nước quá nhiều, chất điện giải, muối, đặc biệt khi chơi trong môi trường quá nóng ra nhiều mồ hôi cũng là một trong những nguyên nhân gây ra chuột rút.
Theo bác sĩ Võ Tường Kha, phương pháp xử lý chuột rút phổ biến nhất là kéo duỗi cơ 15-20 giây cho đến khi cơ giãn hoàn toàn. Sau đó, xoa bóp nhẹ vùng cơ bị chuột rút cho đến khi thấy ổn.
Chườm nóng lên phần cơ bị căng rồi sau đó chườm lạnh vào phần cơ bị đau. Uống nhiều nước bù khoáng, điện giải hay nước muối. Nếu tình trạng chuột rút xảy ra nhiều lần hay kéo dài không khỏi thì nên gọi cấp cứu hoặc đưa đến bác sĩ chuyên khoa thể thao để kiểm tra.
Bác sĩ Kha cũng chia sẻ thêm, để đề phòng bị chuột rút khi chơi thể thao thì việc thông dụng nhất đó chính là làm nóng, khởi động kỹ. Quá trình này sẽ giúp các cơ bắp được co giãn dần và thích nghi với cường độ vận động cao. Thường xuyên luyện tập thể lực để nâng cao sức khỏe cũng là một cách giúp cơ bắp dẻo dai hơn, ít bị chuột rút hơn.