Trong khi dịch bệnh sốt xuất huyết đang lan tràn ở Việt Nam, nhiều người tìm đến một loại thảo dược có tác dụng xua đuổi muỗi là cây sả.
Không phải sả nào cũng đuổi được muỗi
Cây sả, tên khoa học là Citronella, là một loài thuộc chi Cymbopogon. Đây là loài cây có dạng thân cỏ, có thể cao tối đa đến 1,8 mét.
Có 2 loại sả thường được biết đến tại Việt Nam: sả và sả chanh. Cây sả thông thường có thân màu xanh nhạt, hơi ngả sang trắng, thường được dùng làm gia vị trong các món ăn. Loại thứ hai là sả chanh – loại này chỉ dùng làm thuốc, không ăn được.
Rất nhiều người nhầm lẫn, cho rằng sản phẩm ‘sả chanh’ là bao gồm chiết xuất của cây sả và quả chanh, nhưng thực chất không phải như vậy. Sả chanh là loại cây thuộc họ sả nhưng thơm mùi của hương chanh.
Sả chanh là nguồn cung cấp citral, loại nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp hương liệu, dược phẩm (làm thuốc sát trùng, diệt ký sinh trùng ngoài da, diệt muỗi và côn trùng...), và thực phẩm (làm gia vị hoặc hương liệu trong sản xuất đồ hộp, chế biến các loại nước uống có hoặc không chứa cồn)...
Mùi vị của cây sả chanh làm tê liệt thần kinh của muỗi và khiến chúng mất phương hướng để đốt đúng mục tiêu.
Vì vậy, từ xưa, người Việt đã biết trồng những bụi sả quanh nhà để xua muỗi, hoặc đun nồi nước sả để xông phòng.
Tác dụng chống muỗi
Các nhà khoa học ở Bắc Mỹ đã chỉ ra rằng, cũng giống như các loại thực vật khác, lượng tinh chất tiết ra từ cây sả là rất ít.
Ngay cả khi làm dập lá, thân cây sả thì mùi hương cũng chỉ thoang thoảng, phải thính mũi lắm mới cảm nhận được.
Vì vậy, chỉ trồng sả ở gần nơi ở thì chẳng 'xi nhê' gì, bạn vẫn bị muỗi tấn công như thường. Tác dụng chống muỗi của sả chỉ có ở tinh dầu chiết xuất từ loài cây này.
Tinh dầu sả đã được đăng ký như là một chất xua đuổi côn trùng ở Mỹ, Brasil và nhiều nước khác trên thế giới.
Nguyên lý hoạt động xua đuổi muỗi của tinh dầu sả là: làm rối loạn khả năng định hướng của muỗi, khiến loài côn trùng này không tìm ra ‘đích’ nhắm đến để tấn công.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Guelph (Canada) đã kiểm tra hiệu quả của một loại nến có trộn tinh dầu sả citronella.
Trong một khoảng 5 phút, cùng ở một gian phòng, những người ngồi cạnh nến có tinh dầu sả chỉ bị muỗi đốt 6 vết.
Trong khi đó, người ngồi cạnh nến thường và không ngồi cạnh nến nhận được lần lượt là 8 và 11 vết cắn.
Như vậy, nến trộn với tinh dầu sả có tác dụng giảm số nốt muỗi đốt xuống còn gần ½ so với người không có biện pháp bảo vệ gì.
Cách nào sử dụng tinh dầu sả chuẩn nhất?
Tinh dầu sả chanh có mùi hương tươi mát, đuổi muỗi, đuổi côn trùng rất tốt. Giảm độ sưng tấy do côn trùng đốt.
Thực tế, có nhiều phương pháp sử dụng tinh dầu sả đuổi muỗi. Theo các nhà sản xuất tinh dầu, cơ bản có cách như sau:
- Dùng nhiệt khuếch tán tinh dầu: có thể trộn tinh dầu vào nến (như trường hợp trên) hoặc đốt bằng đèn tinh dầu.
- Để tinh dầu khuếch tán tự nhiên: Mở nắp một lọ tinh dầu hoặc dùng bấc (như bấc đèn) để dẫn truyền tinh dầu, giúp khuếch tán tự nhiên trong không khí. Đây là cách làm chỉ phù hợp với không gian nhỏ hẹp như phòng khách, phòng ngủ
- Sử dụng tinh dầu bôi trên da: nhỏ vài giọt tinh dầu trên da cũng là cách hữu hiệu để xua đuổi muỗi. Các nhà khoa học khẳng định tinh dầu sả không gây kích ứng da
- Sử dụng sữa tắm từ tinh dầu sả: đây là sáng chế đã được thực hiện ở Việt Nam, thể hiện hiệu quả rõ rệt.
Tác giả của sáng kiến sản xuất sữa tắm từ tinh dầu sả chanh là em Điểu Linh (dân tộc Mơ Nông) và Voong Thị Hồng Hạnh (dân tộc Hoa) - học sinh lớp 12 Trường phổ thông dân tộc nội trú Đắk R'Lấp (thuộc huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắc Nông).
Sáng kiến này đã được Sở Khoa học Công nghệ Lâm Đồng chứng nhận chất lượng vào đầu năm 2016.
Các em học sinh dân tộc nội trú cũng như người dân Đắc Nông sử dụng khẳng định loại sữa tắm này có tác dụng đuổi muỗi hiệu quả.
Nhờ sáng kiến này, hai em học sinh Điểu Linh và Hồng Hạnh đã được trường Đại học Nguyễn Tất Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) trao học bổng trị giá 200 triệu đồng và được tuyển thẳng vào trường này.
Các phương pháp chống muỗi bằng thảo dược
Ngoài cây sả chanh, còn một số loài thảo dược dễ tìm trong đời sống thường ngày có tác dụng đuổi muỗi.
Đó là:
- Vỏ cam, vỏ quýt
- Tỏi
- Cây hương thảo
- Cây húng thơm (húng bạc hà)
- Hoa oải hương
- Hoa cúc vạn thọ
Tương tự như cây sả, các loại thảo dược trên phát huy tác dụng nhiều nhất nếu được sử dụng ở dạng tinh dầu.
Nếu không muốn tốn kém, thay vì mua tinh dầu, bạn có thể vò hoặc giã các loại thảo dược, sau đó bỏ vào nồi nước nóng già để điều kiện nhiệt độ cao giúp các tinh chất khuếch tán.