Tiêm chủng (tiêm phòng) có thể gây sốt, sưng đỏ vết tiêm... ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, những phản ứng phụ đó hoàn toàn khác với những tai biến tiêm chủng mà nhất định các mẹ cần biết sau đây.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 30 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng gồm 27 trường hợp liên quan tới các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng và 3 trường hợp liên quan vắc xin trong tiêm chủng dịch vụ.
Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 12 tỉnh, thành phố bao gồm Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Sơn La, Đắc Lắc, Bình Định, Hậu Giang, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, 18 người tai biến nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem (17 trường hợp sau tiêm vắc xin Quinvaxem - OPV và 1 trường hợp sau tiêm vắc xin Quinvaxem-OPV- Rotarix) trên tổng số 2.551.051 liều vắc xin Quinvaxem, 3.615.000 liều vắc xin OPV và 6.802 liều vắc xin Rotarix đã sử dụng.
7 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin VGB và một trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin BCG ( 6 trường hợp sau tiêm VGB, 1 trường hợp sau tiêm VGB-BCG, 1 trường hợp sau tiêm BCG) trên tổng số 687.545 liều vắc xin VGB và 1.403.000 liều vắc xin BCG đã sử dụng.
Các trường hợp này đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế cấp tỉnh họp đánh giá.
Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.
Với số liệu trên, có thể thấy trong tổng số hàng triệu trẻ em được tiêm chủng, tỷ lệ tai biến như trên không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Ngược lại, nếu chỉ vì lo sợ tai biến, phản ứng phụ do tiêm chủng gây ra, nguy cơ trẻ mắc phải những căn bệnh nguy hiểm như lao, sởi, bại liệt... do không được tiêm chủng là rất cao.
Tai biến tiêm chủng và những kiến thức các mẹ nhất định nên biết
Tác dụng của vắc-xin là kích thích hệ thống miễn dịch của người được tiêm chủng để tạo ra miễn dịch chủ động phòng bệnh. Hầu hết phản ứng thông thường như sốt có thể là một phần của đáp ứng miễn dịch khi tiêm chủng vắc-xin, tỷ lệ phản ứng và thời gian xuất hiện phản ứng của mỗi vắc-xin là khác nhau.
Nếu đã tiêm chủng đúng lịch, ở cơ sở tiêm chủng uy tín nhưng vẫn mắc phải phản ứng sau tiêm chủng hay tai biến tiêm chủng, có thể con bạn thuộc một trong các nguyên nhân như sau:
Ðây là nguyên nhân hay gặp, bởi vì khác với thuốc chữa bệnh dùng đơn lẻ cho từng người bệnh thì vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng được dùng hàng loạt cho rất đông đối tượng trong đó chủ yếu là trẻ em. Giai đoạn này, trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay mắc các bệnh bẩm sinh, là nguyên nhân chính gây ra tử vong thì lại trùng với thời điểm tiêm vắc-xin.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới năm tuổi. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường và tử vong sau tiêm chủng rất dễ bị quy kết là do tiêm chủng.
Một số rất ít người có phản ứng quá mẫn rất mạnh với một thành phần nào đó của vắc-xin dẫn đến sốc phản vệ mà không phải là do chất lượng của vắc-xin. Ðây là trường hợp rất hiếm gặp nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến chết người.
Nếu do vắc-xin không bảo đảm chất lượng thì có đặc điểm là các tai biến xảy ra hàng loạt, cùng một lúc với cùng một loại vắc-xin, cùng một lô vắc-xin. Nguyên nhân này là hiếm gặp vì tất cả các lô vắc-xin trước khi được cấp phép lưu hành đều phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt.
Ðây là nguyên nhân do sai sót của cán bộ tiêm chủng trong quá trình bảo quản, vận chuyển vắc-xin không đúng, tiêm sai chỉ định, tiêm sai liều lượng, tiêm sai đường dùng, tiêm nhầm thuốc. Các sai sót do thực hành tiêm chủng có thể gây tai biến cho trẻ như tăng phản ứng tại chỗ, áp xe tại vị trí tiêm nhưng khó dẫn đến tử vong trừ tiêm nhầm vắc-xin với một loại thuốc nào đó có thể gây chết người.
Rất nhiều trường hợp tử vong mặc dù được điều tra rất kỹ lưỡng, khách quan, khoa học nhưng vẫn không thể xác định được nguyên nhân vì không có được đầy đủ các thông tin cần thiết. Trong trường hợp này tử vong được xếp vào nhóm không rõ nguyên nhân.
Mục đích của tiêm chủng là phải bảo vệ toàn thể cộng đồng, cho nên nhất thiết vẫn phải duy trì tiêm chủng để tránh dịch bệnh bùng phát gây nguy hiểm cho toàn xã hội.
Để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho trẻ, các bà mẹ cũng cần lưu ý:
- Mang theo phiếu, sổ tiêm chủng khi mang con đi tiêm chủng.
- Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, đang dùng thuốc hoặc có tiền sử phản ứng mạnh đối với loại vắc-xin trong lần tiêm chủng trước.
- Sau tiêm chủng trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm và tiếp tục theo dõi tại nhà trong vòng 24 giờ, chú ý đến trẻ nhiều hơn, cho bú hoặc uống nhiều nước hơn, không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm, có thể cho uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.
- Ðưa trẻ đến cơ sở y tế nếu phản ứng kéo dài hơn một ngày, trẻ sốt cao, co giật hay có biểu hiện bất thường như quấy khóc kéo dài, bỏ bú, tím tái, khó thở...